Triển khai thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức năm 2025

VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 19/KH-VKSTC ngày 6/2/2025 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) năm 2025. Kế hoạch đã phân công cụ thể nhiệm vụ đối với các đơn vị, trong đó có Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Cụ thể, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ khóa 3, tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự khóa 7 và ngành Luật khóa 2. Chủ trì và phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2025 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai đề án, kế hoạch tuyển sinh trình độ đại học ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát khóa 13 (dự kiến 350 chỉ tiêu), ngành Luật và ngành Luật Kinh tế khóa 2, tuyển sinh đào tạo văn bằng thứ hai đại học ngành luật khóa 7.

Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo khóa 9, khóa 10, khóa 11 và khóa 12 đại học hệ chính quy ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát; khóa 3, khóa 4 đại học hệ chính quy ngành Luật, chuyên ngành Luật thương mại; khóa 1 ngành Luật và ngành Luật Kinh tế; khóa 4, khóa 5, khóa 6 văn bằng thứ hai đại học ngành Luật; khóa 4, khóa 5, khóa 6 trình độ thạc sĩ ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự và khóa 1 ngành Luật; khóa 1, khóa 2 trình độ tiến sĩ ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự.

Chủ trì và phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trong việc chọn cử, quản lý sinh viên đại học kiểm sát, hệ chính quy đi học tập tại nước ngoài theo diện Hiệp định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.

 Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Nhà trường.

Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Nhà trường.

Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và hoàn chỉnh giáo trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát và ngành Luật, ngành Luật Kinh tế hệ chính quy theo quy định; biên soạn và hoàn chỉnh giáo trình, tài liệu giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Rà soát, cập nhật, bổ sung các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đã được lãnh đạo VKSND tối cao phê duyệt, ban hành, đảm bảo phù hợp với quy định mới của pháp luật và sát yêu cầu thực tiễn công tác của Ngành. Nghiên cứu, từng bước sử dụng các nền tảng số về đào tạo trực tuyến (MOOC) trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các nội dung phù hợp; lồng ghép các nội dung về công nghệ số, an toàn, an ninh mạng, phân tích dữ liệu số trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Nhà trường tổ chức.

Mặt khác, Nhà trường chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ để triển khai mở các lớp bồi dưỡng trong thời gian tới, gồm: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và những vấn đề cần lưu ý trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, hành chính; Bồi dưỡng kiến thức quản lý, chỉ đạo, điều hành chuyên ngành cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện; Bồi dưỡng kỹ năng hùng biện của Kiểm sát viên.

Tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho công chức, viên chức đã có bằng cử nhân luật và các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức, viên chức trong Ngành.

Tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND địa phương và Viện kiểm sát quân sự để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, các lớp tập huấn tại các đơn vị và địa phương, đảm bảo phù hợp với nội dung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Ngành và đáp ứng nhu cầu thực tế của từng đơn vị, từng cấp Viện kiểm sát.

Ngoài ra, Nhà trường tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đảm bảo số lượng giảng viên theo quy định; cử giảng viên dạy các môn luật, nghiệp vụ kiểm sát, tội phạm học và điều tra tội phạm đi công tác thực tế tại VKSND các cấp; xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên kiêm chức ở trong và ngoài Ngành, nhất là những Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bảo đảm nguồn lực tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho công chức có chức danh tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức trong Ngành thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/trien-khai-thuc-hien-cac-nhiem-vu-dao-tao-boi-duong-cong-chuc-vien-chuc-nam-2025-172591.html
Zalo