Triển khai sắp xếp, sáp nhập 3 địa phương, hình thành siêu đô thị tầm vóc quốc tế

Sắp xếp, sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành 'siêu đô thị' tầm vóc quốc tế, một cực tăng trưởng mạnh mẽ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận hội nghị.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận hội nghị.

Sắp xếp, sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu: Hình thành siêu đô thị tầm vóc quốc tế

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cùng dự có các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo các sở ban ngành TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, hội nghị bàn bạc triển khai những nhiệm vụ quan trọng trong thời khắc lịch sử. Đây là thời điểm đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình xây dựng TPHCM giai đoạn mới - một giai đoạn sẽ hình thành “siêu đô thị” tầm vóc quốc tế, một cực tăng trưởng mạnh mẽ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét, thời gian qua, 3 địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao và chấp hành nghiêm các yêu cầu về sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã.

Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành phố không chỉ là thay đổi địa giới hành chính, mà là một cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, tầm nhìn, khát vọng, tạo cơ hội mới cho tương lai phát triển bền vững cho thành phố mới và cả nước.

Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành phố không chỉ là thay đổi địa giới hành chính, mà là một cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, tầm nhìn, khát vọng, tạo cơ hội mới cho tương lai phát triển bền vững cho thành phố mới và cả nước.

Đồng chí phân tích, việc sáp nhập 3 tỉnh, thành phố không chỉ là thay đổi địa giới hành chính, mà là một cuộc cách mạng về tổ chức, tư duy, tầm nhìn, khát vọng, tạo cơ hội mới cho tương lai phát triển bền vững cho thành phố mới và cả nước.

Cụ thể, việc hợp nhất 3 địa phương nhằm tối ưu hóa nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là tăng cường kết nối vùng, liên vùng từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, kết nối cảng biển, đường không đến hạ tầng công nghiệp, đô thị, hạ tầng số, năng lượng tạo chuỗi cung ứng.

Thông qua đó sẽ khẳng định rõ ràng, mạnh mẽ hơn vị thế quốc tế của TPHCM trong việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, logistics, hợp tác quốc tế...

Theo đồng chí, việc sáp nhập không chỉ bổ sung cho nhau, mà là khuyếch đại lên, tạo nên xung lực mới cho đầu tàu kinh tế tăng tốc, dẫn dắt, lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp.

Đi đôi với đó là sự gắn kết truyền thống, văn hóa của 3 địa phương có lịch sử lâu đời, với ưu thế mỗi nơi có sắc thái, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh riêng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, việc nhập chung lại, bản sắc văn hóa, truyền thống sẽ hòa quyện và tạo nên một khối đại đoàn kết, thống nhất đa dạng hơn, phong phú hơn, đậm đà hơn, vững mạnh hơn và Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn.

Chọn lựa, bố trí nhân sự đủ sức gánh vác trọng trách mới

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, việc hợp nhất vừa tạo ra thời cơ, nhưng cũng đi kèm thử thách, mà trước hết là nhân sự của hệ thống chính trị. Điều đó đòi hỏi cần phải chọn, bố trí nhân sự đủ sức gánh vác trọng trách mới để bộ máy mới vận hành thông suốt, đáp ứng các yêu cầu mới. Đặc biệt là bộ máy cơ sở phải gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Theo đồng chí, để bộ máy vận hành tốt hơn, sẽ có những cán bộ có thời gian dài cống hiến trong thời gian qua phải rời đi. Điều đó đặt ra yêu cầu chăm lo để họ yên tâm chuyển đổi nghề, việc làm hoặc sống được với nghề khác mà không gặp khó khăn.

Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, TPHCM đủ nguồn lực để có một chính sách chung và tới đây chính sách của TPHCM sẽ bao phủ, trong đó có ít nhất 4 loại chính sách: Hỗ trợ người nghỉ việc, chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề, chính sách nhà ở và chính sách trợ vốn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng để chọn người đủ năng lực đảm đương được yêu cầu công việc ngay và lựa thật kỹ nhân sự có triển vọng luân chuyển về cơ sở.

Đề cập đến nhiệm vụ chuẩn bị Đại hội Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, văn kiện đại hội phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, phạm vi mới, tầm nhìn mới, không gian mới và phát triển mới.

Đồng chí cũng bày tỏ tin tưởng, mỗi cán bộ trên từng cương vị đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình để tinh thần vững vàng, quyết tâm hành động vì mục tiêu xây dựng TPHCM thành siêu đô thị hiện đại, bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ, dẫn dắt sự phát triển kinh tế Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ là “trợ thủ đắc lực” để bộ máy vận hành trơn tru, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập.

Sau sắp xếp, hợp nhất, TPHCM mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị báo cáo công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã của 3 địa phương TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó, TPHCM đã chủ trì phối hợp cùng tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương, tích cực quán triệt nghiêm, triển khai đồng bộ chủ trương tinh gọn bộ máy chính quyền, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị và kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tổ chức các Tỉnh ủy, Thành ủy phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu Ban Thường vụ cấp ủy tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, triển khai sâu rộng chủ trương của Trung ương đến toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, thành phố đến cơ sở, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Ba địa phương đã phối hợp thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng đề án, quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và kế hoạch triển khai thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM.

Để tham mưu Ban Chỉ đạo về xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ của 3 tỉnh, thành phố đã họp nhiều phiên và thống nhất các nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã gắn với sắp xếp tổ chức đảng, MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp xã.

Đến nay, 3 địa phương đã xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân trình HĐND các tỉnh, thành phố và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng thời gian quy định, trước ngày 1/5.

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM mới là 168 (113 phường, 54 xã và 01 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính cấp xã ban đầu.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Trước khi sáp nhập có 77 phường, xã, thị trấn. Dự kiến sau khi sắp xếp còn 30 phường, xã, đặc khu; giảm 47 phường, xã, đặc khu (tỷ lệ 61%).

Tỉnh Bình Dương: Trước khi sáp nhập có 91 phường, xã, thị trấn. Dự kiến sau khi sắp xếp còn 36 phường, xã; giảm 55 phường, xã, thị trấn (tỷ lệ 60%).

TPHCM: Trước khi sáp nhập, có 273 phường, xã, thị trấn. HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết khi sắp xếp còn 102 phường, xã; giảm 171 phường, xã, thị trấn (tỷ lệ 63%).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu.

Bố trí trụ sở chính trị - hành chính tại TPHCM và có thêm 2 cơ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương

Các cơ quan chức năng 3 tỉnh, thành phố phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin; thảo luận, góp ý xây dựng các nội dung đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM; đề xuất các phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Theo đề án, sẽ bố trí trụ sở chính trị - hành chính tại TPHCM và có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương để ổn định bộ máy thời kỳ đầu sau sắp xếp. Sau đó, trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp.

Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện và giảm thiểu tác động để cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác; giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của TPHCM mới sau sắp xếp.

Ban Chỉ đạo đã bổ sung hoàn chỉnh Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM; xây dựng triển khai đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM sau khi hợp nhất.

Điều động, luân chuyển cán bộ ở tỉnh, thành về phường, xã

Về chuẩn bị phương án nhân sự cấp tỉnh (khi sắp xếp, hợp nhất), 3 địa phương thống nhất xây dựng báo cáo, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ của 3 địa phương; xây dựng phương án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM (sau khi sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập) theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, Kết luận 150 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 31 của Ban Tổ chức Trung ương.

Theo đó, thống nhất tăng cường điều động, luân chuyển cán bộ ở tỉnh, thành phố về công tác tại phường, xã, đặc khu.

Đối với địa bàn có quy mô dân số, tổ chức đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố giữ nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy cấp xã.

Về chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi sắp xếp, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; TPHCM đang xây dựng chính sách hỗ trợ.

Về thực hiện chế độ, chính sách cán bộ, đến nay, cả 3 tỉnh, thành đều tập trung công tác nắm tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, người lao động để kịp thời ban hành các chế độ, chính sách theo chỉ đạo của Trung ương.

Riêng tại TPHCM, có 186 đồng chí có đơn xin giải quyết chế độ, chính sách theo Nghị định 178/2024 (trong đó, có 58 đồng chí diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý); đã ban hành quyết định giải quyết cho 124 đồng chí (trong đó, có 35 đồng chí diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý).

Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị lãnh đạo thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện nghiêm túc đầy đủ, đúng quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp theo quy định.

Tập thể lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, TPHCM đã cố gắng, nỗ lực, quyết tâm chính trị cao để thực hiện tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, bám sát tiêu chí do Trung ương ban hành và đảm bảo tiến độ theo quy định.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai, quán triệt công tác tư tưởng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá, tuyên truyền sai lệch, các thông tin xấu trên không gian mạng về chủ trương trên. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trước, trong và sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Tỉnh ủy Bình Dương, Thành ủy TPHCM tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tập trung phối hợp hoàn thiện, kết nối hạ tầng, liên thông dữ liệu tại các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, bảo đảm hoạt động các đơn vị được xuyên suốt, chặt chẽ, hiệu quả phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.

Tên gọi cấp xã không trùng lặp, khắc sâu vào tiềm thức người dân

Về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã, 3 địa phương thống nhất đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới đảm bảo không trùng lặp tên gọi trong phạm vi toàn TPHCM mới, để thuận lợi cho quá trình quản lý cũng như trong quá trình sử dụng dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

Việc đặt tên đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử, nhất là chọn những tên gọi tiêu biểu gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tiềm thức, tâm tư tình cảm của người dân ở từng địa phương như: Thành lập phường Sài Gòn, phường Chợ Lớn, phường Gia Định tại TPHCM; phường Bà Rịa, phường Vũng Tàu, phường Phú Mỹ, xã Đất Đỏ tại Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; phường Bình Dương, phường Thủ Dầu Một, phường Thuận An, phường Dĩ An ở tỉnh Bình Dương,...

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/trien-khai-sap-xep-sap-nhap-3-dia-phuong-hinh-thanh-sieu-do-thi-tam-voc-quoc-te-11925051510461372.htm
Zalo