Triển khai phần mềm rút vốn ODA điện tử để đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Khó đạt tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2024 đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phần mềm rút vốn điện tử sẽ góp phần giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Chiều 3/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các địa phương sơ kết tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024.

Theo báo cáo tại hội nghị, lũy kế giải ngân vốn vay nước ngoài của các địa phương tính đến 30/11/2024 chỉ đạt 30,3% kế hoạch vốn năm 2024 (tỉnh cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại).

6/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% (Hòa Bình, Ninh Bình, Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận). 5/53 địa phương chưa giải ngân (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang).

Có 3 nhóm vướng mắc nổi bật dẫn khiến các địa phương chậm tiến độ giải ngân.

Một là vướng mắc trong khâu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, gia hạn thời gian giao vốn, ký kết hiệp định vay. 21/98 dự án (22%) được giao kế hoạch vốn năm 2024 tại 17/53 địa phương phát sinh vướng mắc này.

Hai là vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân: phát sinh ở 40/98 dự án (39,8%) tại 23/53 địa phương.

Ba là vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại): phát sinh ở 17/98 dự án (17,3%) tại 10/53 địa phương.

“Với tình hình giải ngân hiện nay, việc đạt tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất khó khả thi do thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều”, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý dự án địa phương, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại nhận định.

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại. Ảnh: Bình Minh

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại. Ảnh: Bình Minh

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại lưu ý, ngày 31/1/2025 sẽ là Tết cổ truyền. Trước thời điểm đó, cần thời gian để các nhà tài trợ xử lý rút vốn, đảm bảo chuyển tiền về cho các đơn vị thực hiện dự án, các nhà thầu có tiền trả cho người lao động về quê ăn Tết. Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước chỉ mất 1-2 ngày để xử lý các thủ tục, nhưng thời gian để các nhà tài trợ xử lý sẽ lâu hơn.

Các địa phương cần chỉ đạo các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ, thực hiện việc kiểm soát chi, và nhanh chóng gửi đối soát vốn lên cho Bộ Tài chính để đảm bảo khai thác được tối đa kế hoạch vốn đã được bố trí trong năm 2024.

“Chúng tôi sẽ triển khai phần mềm rút vốn điện tử để hỗ trợ các địa phương xử lý rút vốn nhanh, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Sau khi chuẩn bị xong vấn đề kỹ thuật và hạ tầng, chúng tôi sẽ khẩn trương báo cáo các tỉnh và các ban quản lý dự án để triển khai công việc này”, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, Luật Đầu tư công mới đã được ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2025. Các luật về sửa Luật Ngân sách nhà nước, sửa Luật Đấu thầu cũng có hiệu lực từ 1/1/2025. Sẽ có hàng loạt thay đổi về thể chế.

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện việc sửa Nghị định 114 về quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có rất nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thúc đẩy giải ngân”, ông Hải chia sẻ thêm.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trien-khai-phan-mem-rut-von-oda-dien-tu-de-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-2348231.html
Zalo