Triển khai nhiều giải pháp thực hiện bình đẳng giới
Những năm qua, Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc triển khai công tác bình đẳng giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025, Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động tích cực. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác này.
Mặt khác, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới đã được các đơn vị, địa phương triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Tổ chức hội nghị tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức; in ấn cấp phát tài liệu, sách, báo, tạp chí, tranh ảnh, tờ rơi, tờ gấp; treo băng rôn, lắp đặt khẩu hiệu... Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được triển khai đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện lồng ghép nội dung thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị mình. Các nội dung kiểm tra gồm: Thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt là đối với với lao động nữ như chế độ nghỉ thai sản, điều kiện làm việc phù hợp với phụ nữ; kiểm tra công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chương trình quốc gia về bình đẳng giới; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo bảo vệ quyền bình đẳng, quyền phụ nữ cho phụ nữ được chính quyền, các ngành chỉ đạo giải quyết kịp thời, công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được chú trọng; thông qua hoạt động giám sát đã tạo sự chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc triển khai, thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Đồng thời, nội dung bình đẳng giới cũng đã được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình hạnh phúc ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Vai trò, vị trí của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới tại Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm thường xuyên trong việc triển khai công tác bình đẳng giới. Có địa phương triển khai nhưng còn mang tính hình thức, chưa tích cực. Khoảng cách giới còn lớn; bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, đặc biệt đối với phụ nữ dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng chưa đồng đều, một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế.
Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ở các cấp, các ngành là nhiệm vụ quan trọng. Các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cần huy động sự tham gia của nam giới, trẻ em trai và lãnh đạo là nam nhằm thay đổi thái độ tiêu cực và thúc đẩy hành vi chia sẻ việc nhà và một số nội dung liên quan.
Mặt khác, các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ trong quy hoạch, trong đào tạo, bồi dưỡng, trong bổ nhiệm nhằm thực hiện có hiệu quả bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng, đại biểu HĐND các cấp theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành để triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia Bình đẳng giới đồng bộ, nhịp nhàng và có hiệu quả. Cùng đó, đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối với lao động nữ trong giải quyết việc làm, đào tạo nghề; tạo điều kiện để phụ nữ nghèo được vay vốn giảm nghèo và vốn tín dụng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ...