Triển khai ngay các biện pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra
Chiều 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan về công tác ứng phó với bão số 3.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT,TKCN&PTDS).
Đến 13 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão số 3 (Yagi) ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc - 117,4 độ Kinh Đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730km về phía Đông, cường độ cấp 10-11, giật cấp 13. Dự báo, từ chiều ngày 4 đến 6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Tại Thanh Hóa, để chủ động ứng phó với bão số 3, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh đã ban hành 2 Công điện chỉ đạo triển khai ứng phó đến các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát thông tin về diễn biến tình hình bão, mưa, lũ và các bản tin dự báo, cảnh báo, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Hiện toàn tỉnh có 6.116 phương tiện/19.901 lao động. Trong đó, neo đậu tại bến 5.281 phương tiện/13.335 lao động; hiện còn 835 phương tiện/6.566 lao động đang hoạt động trên biển, cụ thể: Vịnh Bắc Bộ 820 phương tiện/6.397 lao động; Nam Biển Đông 13 phương tiện/149 lao động; các vùng biển khác 2 phương tiện/20 lao động. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 3 (Yagi) và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương.
Thảo luận tại các điểm cầu trực tuyến, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương liên quan đã báo cáo công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3 theo tinh thần Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và dự báo khả năng, biện pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 của các bộ, ngành, địa phương. Để đối phó với cơn bão, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các biện pháp; nâng cao tính chủ động của các địa phương, đưa ra những tình huống, kịch bản nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân. Các địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Tích cực tăng cường truyền thông các biện pháp phòng tránh rủi do thiên tai cho người dân và bám sát tuyên truyền diễn biến của cơn bão số 3.
Sau cuộc họp này chúng ta chuyển từ công điện sang hoạt động thực tiễn các biện pháp ứng phó với bão số 3, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu lực lượng chức năng liên quan, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm đếm tàu thuyền; bằng mọi biện pháp kêu gọi chủ phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm đưa về nơi tránh, trú bão an toàn; đảm bảo an toàn cho người, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản; khách du lịch lưu trú trong thời gian bão đổ bộ. Trên đất liền, các địa phương chủ động tổ chức thu hoạch diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công, các vị trí bờ biển đang có diễn biến sạt lở, xâm thực trong tháng 8 vừa qua như: khu vực Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi chủ động công tác tiêu nước đệm, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp. Các ngành thành viên, địa phương thực hiện các biện pháp tiêu úng các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy tỉnh chủ động xuống các địa bàn được phân công phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão số 3.