Triển khai Luật Thủ đô: Ưu tiên những nội dung có lợi cho người dân, doanh nghiệp

Để đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, việc rất nhiều, thời gian thì gấp, nên các sở ngành, đơn vị phải xác định rõ lộ trình, nỗ lực vào cuộc một cách kỹ càng và chắc chắn.

Tiếp tục chỉ đạo, quán triệt thi hành Luật Thủ đô 2024, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội.

Ưu tiên những nội dung có lợi cho người dân, doanh nghiệp

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, triển khai Luật Thủ đô 2024, Sở TN&MT được giao chủ trì xây dựng 1 văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố ban hành, quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp; hoàn thành trước 1/1/2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, xây dựng 2 văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố ban hành sau ngày 1/1/2025, gồm: Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn thành phố; quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.

Quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp xây dựng 16 nội dung với các sở, ban, ngành.

Sở TN&MT đã xây dựng nội dung tuyên truyền Luật Thủ đô; các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Thủ đô; định hướng việc quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch và các nội dung khác có liên quan.

Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị Sở TN&MT chủ động rà soát các quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố đối với các nhiệm vụ để đề xuất các chính sách, quy định, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền, đảm bảo thiết thực, có tính khá thi.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Minh Tấn báo cáo tại cuộc làm việc

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Minh Tấn báo cáo tại cuộc làm việc

Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, trong đó, phân công rõ đơn vị chủ trì, phối hợp, tiến độ thực hiện để Thành phố tổng hợp thành kế hoạch chung; đáp ứng chất lượng và yêu cầu tiến độ, sắp xếp, ưu tiên làm trước những nội dung có thể làm ngay, có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cho phép thuê đơn vị tư vấn, chuyên gia

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, Sở được giao chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố đối với 5 nội dung.

Cụ thể gồm: (1) Chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28).

(2) Quy định chi tiết Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông.

(3) Quy định chi tiết việc quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD (theo quy định tại khoản 5 Điều 31.

(4) Quy định phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu trong khu vực TOD quy định tại khoản 4 Điều 31, bảo đảm không trùng thu với các loại thuế, phí khác (theo quy định tại khoản 5 Điều 31).

(5) Quy định mức hỗ trợ lãi suất vay vốn trong 5 năm đầu đối với dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng (theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 43).

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Chính phủ, HĐND, UBND Thành phố xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với 92 nội dung.

Một góc Thủ đô nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Ngân.

Một góc Thủ đô nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Ngân.

Sở GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô, ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện các nội dung nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực, chuyên môn phụ trách...

Sở GTVT cũng kiến nghị Thành phố có cơ chế đặc thù về nguồn kinh phí, mức chi, nội dung chi cho các hoạt động phục vụ xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố; cho phép Sở được sử dụng nguồn ngân sách để thuê đơn vị tư vấn, các chuyên gia để nghiên cứu tham mưu những nội dung khó, phức tạp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đối với một số nội dung Luật Thủ đô liên quan đến Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần chờ văn bản quy định của Chính phủ để tiếp thu vào nội dung triển khai thi hành Luật Thủ đô, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ khi triển khai áp dụng.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho rằng, hai nội dung gồm quy định chi tiết việc quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD và quy định phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu trong khu vực TOD là do Ban Quản lý đường sắt đô thị chủ trì đề xuất.

Do đó, căn cứ chức năng nhiệm vụ và kinh nghiệm thực tế trong công tác đầu tư của Ban, đề nghị UBND Thành phố giao Ban Quản lý đường sắt đô thị chủ trì, Sở GTVT tham gia phối hợp.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nêu rõ, giao Sở GTVT chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết số 1 và số 5; Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết số 3 và số 4, tiến độ thực hiện tháng 11/2024. Riêng nội dung quy định chi tiết Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông sẽ thực hiện trong năm 2025.

Để đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, việc rất nhiều, thời gian thì gấp, nên các sở ngành, đơn vị phải xác định rõ lộ trình, nỗ lực vào cuộc một cách kỹ càng và chắc chắn.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trien-khai-luat-thu-do-uu-tien-nhung-noi-dung-co-loi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-175530.html
Zalo