Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện biên giới

Là huyện biên giới của tỉnh, huyện Sốp Cộp có 8 xã, 101 bản và 2 điểm dân cư, dân số gần 55.500 người, có 6 dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 96,8%. Những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

Khu tái định cư bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.

Khu tái định cư bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.

Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Giai đoạn 2019-2024, bằng các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh, huyện đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp trên 80 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, trường lớp học, nhà bán trú, nhà văn hóa bản; hỗ trợ trực tiếp con giống, cây giống, thiết bị sản xuất...

Đến nay, huyện Sốp Cộp tất cả các xã có đường đến trung tâm được cứng hóa; 68,3% số bản có đường giao thông đến bản được cứng hóa; 97,61% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã được đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40,38%, năm 2019 xuống còn 30,28%, năm 2024. Có 2 xã Sốp Cộp, Dồm Cang đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Nếp Tan - Mường Và - Sốp Cộp”; có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, được nhân rộng, như trồng cam, quýt tại bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh; trồng cây ăn quả tại bản Tà Cọ, xã Sốp Cộp; trồng cam ứng dụng công nghệ cao tại bản Nà Mòn, xã Mường Và...

Đường về bản Huổi Pót, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp được bê tông kiên cố.

Đường về bản Huổi Pót, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp được bê tông kiên cố.

Tháng 6 vừa qua, niềm vui đến với 20 hộ dân tộc Khơ Mú bản Huổi Pót, xã Mường Và khi tuyến đường từ bản Tông Hùm về bản gần 4 km được bê tông kiên cố. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719).

Ông Pít Văn Hặc, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Huổi Pót, cho biết: Trước đây, đường về bản là đường đất, nhỏ, hẹp, trời mưa lầy lội, nắng thì bụi, đi lại vất vả. Được Nhà nước đầu tư đường bê tông kiên cố, là niềm mơ ước lâu nay của bà con. Ban quản lý bản sẽ tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên quét dọn, bảo vệ, quản lý, sử dụng công trình lâu dài, hiệu quả.

Ở bản Lọng Phát, xã Dồm Cang, cuối tháng 7 vừa qua, hơn 65 hộ vui mừng phấn khởi khi công trình cấp nước của bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 1719. Ông Cầm Văn Thiện, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lọng Phát, chia sẻ: Trước đây, vào mùa khô, dân bản thiếu nước sinh hoạt, phải mang thùng, can đi lấy nước ở các mó, khe suối về dùng, không đảm bảo vệ sinh. Nay được Nhà nước đầu tư công trình cấp nước mới, nước dẫn về tận nhà rất tiện lợi. Bảo vệ nguồn nước, việc bảo vệ rừng đầu nguồn đã được bản đưa vào quy ước, hương ước, đảm bảo công trình sử dụng lâu dài.

Mô hình trồng cam của nhân dân bản Nà Mòn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Mô hình trồng cam của nhân dân bản Nà Mòn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Bên cạnh đó, huyện Sốp Cộp phát huy vai trò 106 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp thăm và tặng quà, tổ chức tập huấn, gặp mặt, tham quan, học tập kinh nghiệm cho đội ngũ những người có uy tín. Hằng năm, tuyên dương, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, động viên người có uy tín phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, huyện Sốp Cộp tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; đảm bảo an sinh xã hội; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Phấn đấu đến năm 2029, có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%-5%/năm; 100% bản có đường giao thông đến trung tâm bản được cứng hóa.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/trien-khai-hieu-qua-chinh-sach-dan-toc-o-huyen-bien-gioi-oel2pQGHg.html
Zalo