Triển khai đồng bộ những đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông
Tính đến năm học này (2024 - 2025), Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đầy đủ ở 100% khối lớp từ tiểu học đến THPT. Như vậy, Lạng Sơn đã cùng với các địa phương trong cả nước từng bước hoàn thiện lộ trình đổi mới, xây dựng một hệ thống giáo dục đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện.
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn không ngừng nỗ lực đổi mới, lấy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 làm nền tảng.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tại trên địa bàn tỉnh từ năm học 2020 - 2021, đến năm học 2024 - 2025 đã được thực hiện cho tất cả các khối từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình đã mang lại những đổi mới sâu rộng trong phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, tạo bước chuyển lớn trong giáo dục trên địa bàn tỉnh. Chương trình cũng đã khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp hiện đại, tập trung vào việc phát triển năng lực của học sinh thay vì chỉ truyền đạt kiến thức như trước.
Thầy Lâm Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc) cho biết: Chương trình Giáo dục phổ thông mới mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nhà trường. Đội ngũ giáo viên tích cực, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện dạy học hiệu quả hơn. Học sinh theo học chương trình mới có nhiều tiến bộ rõ rệt, giúp các em phát triển toàn diện, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và thể hiện bản thân. Kết quả năm học 2023 - 2024 có gần 65% học sinh của trường đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện được khen thưởng, tăng 2% so với năm học trước.
Ở các cấp học khác, phương pháp dạy học theo dự án, học nhóm và tích hợp môn học được áp dụng rộng rãi, giúp học sinh tự nghiên cứu và thuyết trình, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo. Tại các trường từ bậc THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh, hiện nay, 100% trường học đã triển khai thành công các tiết học tích hợp liên môn và xuyên biên giới, trong đó giáo viên khuyến khích học sinh học tập qua trải nghiệm thực tế và sử dụng các công cụ trực tuyến để nâng cao tính trực quan, sinh động trong giảng dạy.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, trong suốt 4 năm qua, để đảm bảo thành công trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án và kế hoạch quan trọng nhằm đảm bảo mọi điều kiện cần thiết. Điển hình là việc chuyển học sinh từ các điểm trường lẻ về trường chính để tăng số lượng lớp học 2 buổi/ngày, xây dựng thêm các trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Công tác lựa chọn sách giáo khoa và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cũng được thực hiện cẩn thận, đáp ứng tốt yêu cầu đặc thù của từng cấp học...
Nhờ những nỗ lực đó, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong cách dạy và học. Ở bậc tiểu học, chương trình mới không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo mà còn rèn luyện kỹ năng tự học và khả năng làm việc nhóm. Tỷ lệ học sinh đạt “Hoàn thành xuất sắc” và “Hoàn thành tốt” tăng đều qua các năm. Ở bậc THCS, sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy đã giúp tỷ lệ học sinh đạt mức “Tốt” và “Khá” chiếm đa số, trong khi tỷ lệ “Chưa đạt” giảm đáng kể, chỉ còn 3% vào năm học 2023 - 2024. Đối với bậc THPT, các phương pháp giảng dạy hiện đại đã mang lại hiệu quả rõ rệt, với tỷ lệ học sinh lớp 11 đạt mức “Tốt” tăng từ 17,2% (lớp 10) năm học 2020 - 2021 lên 22,3% năm học 2023 - 2024...
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không chỉ đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành giáo dục mà còn khẳng định quyết tâm của ngành giáo dục tỉnh trong việc xây dựng nền giáo dục hiện đại. Đây chính là nền tảng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và tạo ra những thế hệ học sinh tự tin hội nhập trong giai đoạn mới.
Đảm bảo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018
Năm học 2024 - 2025 là cột mốc quan trọng khi 100% khối lớp trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đối với sách giáo khoa của 3 khối lớp cuối cấp bắt đầu theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là lớp 5, 9 và 12, các trường triển khai các bước lựa chọn bảo đảm nguyên tắc được Bộ GD&ĐT phê duyệt, phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa bàn và điều kiện tổ chức dạy, học tại các trường. Để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp, giáo viên nghiên cứu sách từ các lớp trước đó ở cấp học đã học theo chương trình mới, từ đó đối chiếu, so sánh giữa cái mới và cũ để chọn bộ sách mới đảm bảo tính kết nối, liên thông với các khối lớp trước và phù hợp với học sinh, giúp các em phát huy năng lực tốt nhất.
Cùng với đó, trước yêu cầu đổi mới toàn diện, ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, với trọng tâm là đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, để khơi dậy phong trào học tập sôi nổi ở mọi cấp học, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, gắn liền với đổi mới cách kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Theo đó, các nhà trường tập trung áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, phương pháp giảng dạy tích cực; đa dạng hóa hoạt động giáo dục và tổ chức các hình thức học tập phong phú. Bên cạnh đó, việc giảm tải nội dung lý thuyết, tăng cường thực hành và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống phù hợp với từng cấp học đã trở thành những ưu tiên hàng đầu. Những nỗ lực này không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện về tri thức và kỹ năng, mà còn tạo động lực học tập tích cực.
Tại Trường THPT Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn), các phương pháp giảng dạy tích cực như dạy học dự án, làm việc nhóm, thảo luận đã được áp dụng rộng rãi ở tất cả các môn học. Theo thầy giáo Nguyễn Chiến Thắng, Hiệu trưởng nhà trường: Để hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, trường thường xuyên tổ chức các tiết dạy minh họa và dự giờ. “Trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên thực hiện tiết dạy minh họa, sau đó tổ chuyên môn tiến hành phân tích, rút kinh nghiệm để cải thiện phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động học tập cho học sinh”. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhà trường đã tổ chức 72 buổi sinh hoạt chuyên đề, 8 buổi sinh hoạt chuyên môn liên trường, liên tỉnh và xây dựng 66 kết luận chuyên đề. Các buổi sinh hoạt này còn là diễn đàn để giáo viên trao đổi, thảo luận về các phương pháp giảng dạy tích cực như dạy học nhóm, dạy học dự án và ứng dụng công nghệ thông tin. Những hoạt động này không chỉ giúp giáo viên cập nhật kiến thức mới mà còn khuyến khích sự sáng tạo, học hỏi lẫn nhau trong việc triển khai các phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất.
Không chỉ tại Trường THPT Việt Bắc, từ kinh nghiệm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới trong các năm học trước, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới không chỉ phương pháp dạy của thầy mà còn cả cách học của trò. Học sinh được khuyến khích học qua các hoạt động trải nghiệm và thực hành thực tế, từ đó phát triển kỹ năng sống và tư duy sáng tạo. Việc dạy học chú trọng chắc kiến thức cơ bản, đồng thời nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng phân tích đã trở thành kim chỉ nam trong các hoạt động giáo dục của các nhà trường.
Cùng với sự chủ động của các nhà trường, Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều đợt tập huấn các mô-đun cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các lớp tập huấn được tổ chức nhằm tăng cường hơn năng lực cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Qua đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học được tiếp cận với nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng như dạy theo sách giáo khoa mới đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12 ngay khi năm học mới bắt đầu.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Năm học 2024 - 2025 là bước ngoặt quan trọng khi toàn bộ khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục tỉnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng, từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất và các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn”. Các trường học đã chủ động áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại, đồng thời triển khai hiệu quả các mô hình giáo dục mới. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới kiểm tra, đánh giá, bảo đảm hướng tới sự phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất của học sinh.