Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025
Sáng18/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Đại tá Trịnh Hồng Phong, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Lê Xuân Huy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và các thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh…

Các đại biểu dự hội nghị.
Năm 2024, thiên tai Việt Nam nói chung, tỉnh Hà Nam nói riêng xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình. Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 2.626,4mm cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 820,4mm. Lũ xuất hiện trên sông Hồng với đỉnh lũ là 750cm (trên báo động 3 là 50cm); sông Đáy xuất hiện 02 trận lũ lịch sử trong đó trận lũ thứ 2 do ảnh hưởng của bão số 03 với đỉnh lũ là 522cm (trên báo động 3 là 122cm, cao hơn lũ năm 2017 là 29cm). Đặc biệt bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng toàn Bắc Bộ trong đó có Hà Nam. Mưa lũ, đã gây ngập lụt nghiêm trọng trong thời gian dài trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại do bão số 03 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam ước tính khoảng 680,088 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Trong năm, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi PCTT của tỉnh tiếp tục được tu bổ, nâng cao năng lực. Trong đó, công trình đê điều được đầu tư trên 24 tỷ đồng phục vụ duy tu, bảo dưỡng, xử lý các sự cố trên đê sông Đáy, đê sông con, đê bối; công trình thủy lợi đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số công trình đầu mối, trục kênh chính… Công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng công trình PCTT được thực hiện hiệu quả. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thời tiết, giúp việc chuẩn bị ứng phó có hiệu quả cao...
Tuy nhiên, công tác PCTT & TKCN năm 2024 vẫn còn những khó khăn nhất định, như: Hiệu suất hoạt động của trạm bơm đầu mối giảm do xây dựng đã lâu, hệ số tiêu tăng do thay đổi cơ cấu sử dụng đất; tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi vẫn còn một số vụ việc vi phạm kéo dài; công tác xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai chưa sát với thực tế cũng như việc ứng phó trong tình huống thiên tai với trường hợp lũ lớn vượt mức lịch sử, thiết kế, bão mạnh; còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động trong PCTT của một bộ phận cán bộ và người dân…

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong PCTT năm 2024 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2025 tiếp tục được nhận định là năm có hình thái thời tiết, thủy văn phức tạp và khó lường. Để thực hiện tốt công tác PCTT & TKCN, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính, kiên quyết giữ vững an toàn đê điều khi lũ chưa vượt quá lũ lịch sử, không để xảy ra mất mùa do hạn hán hoặc ngập úng khi mưa, lũ, bão chưa vượt quá khả năng của công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Trên cơ sở đánh giá chung hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiến hành xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm PCTT cấp tỉnh; yêu cầu các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền hệ thống các văn bản Luật Đê điều, Luật PCTT, chống tư tưởng chủ quan trong cán bộ, nhân dân; xây dựng phương án, kế hoạch PCTT& TKCN sát với thực tế, chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai bão lũ xảy ra...

Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTT năm 2024 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao cố gắng, nỗ lực và kết quả đạt được trong PCTT & TKCN của tỉnh năm 2024. Trong công tác PCTT & TKCN năm 2025 các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về PCTT cho cán bộ đảng viên, hội viên các đoàn thể, lực lượng xung kích và cộng đồng dân cư; loại bỏ tư tưởng chủ quan, lơ là trong PCTT; tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, thủy lợi, kịp thời phát hiện hư hỏng ảnh hưởng đến năng lực phục vụ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê điều, thủy lợi, nhất là các dự án phục vụ tiêu thoát nước, chống ngập úng. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các công ty thủy lợi chủ động xây dựng phương án tiêu nước không để ngập úng xảy ra; kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, nhất là tình trạng hút cát trái phép trên sông, tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng trái phép trên bãi sông, lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ...
Cũng tại hội nghị, 26 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT và TKCN năm 2024 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.