Huyện Cù Lao Dung luôn chủ động và quyết liệt trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường với những yếu tố có thể cực đoan, bất thường gây hậu quả nặng nề cho sản xuất và đời sống. Vì vậy, việc chủ động các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai là cần thiết và huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã thực hiện tốt vấn đề này.
Nâng cao nhận thức và hành động thống nhất
Nhìn lại 5 năm quán triệt thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Cù Lao Dung luôn trong tâm thế chủ động, quyết liệt và khẩn trương. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, tỉnh, UBND huyện đã kịp thời quán triệt, triển khai rộng rãi đến cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn và khẩn trương xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) phát động trồng cây, chống sạt lở. Ảnh: SỚM MAI
Để triển khai thực hiện hiệu quả, Cù Lao Dung đã lấy nhận thức làm phương thức hành động. Theo đồng chí Huỳnh Thanh An - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cù Lao Dung, đơn vị thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt việc học tập, quán triệt bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ từ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo đến cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về sự đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, huyện quan tâm về phương pháp, hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, kênh thông tin đại chúng và tuyên truyền lưu động đến các cụm dân cư trên địa bàn để chủ động phòng tránh. Hằng năm, huyện thực hiện tốt Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai (PCTT) (15 - 22/5), ngày truyền thống PCTT tại Việt Nam (22/5) để nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh.
Hằng năm, huyện kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Khi đó, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên từ huyện đến xã, thị trấn; phân công phụ trách địa bàn và thông báo phân công lịch trực khi có tình huống thiên tai xảy ra; xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai trên địa bàn thị xã; cử đi tập huấn… Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin khí tượng thủy văn, nhằm cảnh báo, dự báo kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh và ứng phó có hiệu quả với thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại.

Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) kịp thời chỉ đạo phòng, chống và khắc phục thiên tai, không để ảnh hưởng đến người dân. Ảnh: SỚM MAI
Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường quản lý các công trình thủy lợi, quản lý hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ cống, đê điều. Trong mùa mưa, lũ, cơ quan chuyên môn nắm bắt diễn biến thiên tai, kịp thời cảnh báo cho nhân dân. Các cơ quan chuyên môn còn phối hợp lắp đặt trạm đo mặn tại các vị trí đầu nguồn và các cửa sông chính trên địa bàn; phổ biến và cập nhật thông tin trên các ứng dụng, bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn để theo dõi nguồn nước và diễn biến độ mặn, nhất là khi có dự báo thiên tai xảy ra để tham mưu chỉ đạo, thông báo kịp thời đến người dân chủ động phòng tránh.
Huy động mọi nguồn lực phòng, chống thiên tai
Cũng theo đồng chí Huỳnh Thanh An, huyện đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - PCTT và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định. Thành lập đội xung kích PCTT với 800 thành viên là lực lượng nòng cốt gồm lực lượng dân quân, công an, quân sự, đoàn thể, tổ chức xã hội của các xã, thị trấn theo Quyết định số 15/QĐ-TWPCTT, ngày 23/7/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 9/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.

Các cơ quan chuyên môn huyện Cù Lao Dung thường xuyên kiểm tra các công trình, gia cố đê bao. Ảnh: SỚM MAI
Trong 5 năm qua, huyện Cù Lao Dung đã huy động mọi nguồn lực cho PCTT theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Hằng năm, huyện lồng ghép các công trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: sửa chữa hệ thống các cống ngăn mặn được 26 cống lớn trên đê bao tả, hữu và trên đê bao biển; nạo vét hệ thống kênh tạo nguồn và làm công tác thủy lợi nội đồng, kinh phí đầu tư hằng năm từ 15 - 20 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2024, UBND huyện Cù Lao Dung đã bố trí nạo vét, gia cố bờ bao, gia cố bọng đập tích trữ nước ngọt kết hợp phòng, chống triều cường từ nguồn vốn hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Thực hiện 19 công trình nạo vét; 16 công trình gia cố bọng, đập và bồi trúc chống sạt lở ứng phó với triều cường với tổng chiều dài 17.139m với kinh phí thực hiện là 5,575 tỷ đồng.
Xác định ứng dụng khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Do vậy, huyện đã chủ động ứng dụng công nghệ tin học, tự động hóa trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành. Đồng thời, ứng dụng các phần mềm trong dự báo, cảnh báo, quản lý rủi ro do triều cường, mặn trên các sông từ app Sóc Trăng, trang weather.com về dự báo thời tiết trên địa bàn huyện. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - PCTT và tìm kiếm cứu nạn huyện còn thành lập nhóm Zalo, PCTT cấp huyện và xuống đến tận khu vực để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó với thiên tai. Ngoài ra, huyện còn phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng chí Huỳnh Thanh An cho biết, huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư và các văn bản có liên quan để tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả; phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về kinh nghiệm trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó với các tình huống, sự cố, hạn chế rủi ro, thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra. Quan tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác này; chủ động bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, phương án về PCTT để triển khai phương án ứng phó với mưa bão vào hằng năm.
Với xu thế biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh và phức tạp, thiên tai có thể gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Do vậy, yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần phải mạnh mẽ, toàn diện và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phát triển huyện Cù Lao Dung ngày càng bền vững.