Triển khai cấp bách quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU
Từ đầu năm đến 20/2, Việt Nam đã có 16 cảnh báo từ thị trường EU. Trong các sản phẩm bị cảnh báo có nhiều sản phẩm là thực phẩm mới chưa được cấp phép.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Sáng 24/2, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai cấp bách quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp đang lúng túng khi xuất khẩu sang EU về “thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp".
"Thực phẩm mới" là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức đáng kể trong Liên minh châu Âu trước ngày 15/5/1997. Chi tiết được nêu tại Quy định (EU) 2015/2283. Danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023.
"Sản phẩm hỗn hợp" nếu chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật, thì nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU. Đây là một quy định rất mới, vừa được EU ban hành tại Quy định (EC) 2022/2292 và có hiệu lực từ ngày 15/12/2022. EU quy định, những sản phẩm có thành phần từ động vật đã qua chế biến và các nguyên liệu thực vật làm thay đổi đặc tính của sản phẩm nguồn gốc động vật được coi là sản phẩm tổng hợp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của EU, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, trước mắt cần tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU. Các cơ quan chuyên môn có hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm,… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.
Đơn vị sản xuất tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU. Về dài hạn, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn cho thị trường EU.
Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin. Văn phòng sẽ thông báo kết quả truy xuất nguồn gốc với EU để minh bạch thông tin quản lý an toàn thực phẩm, ông Ngô Xuân Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Nam cũng nêu thực trạng, từ đầu năm đến 20/2, Việt Nam đã có 16 cảnh báo từ thị trường EU. Các sản phẩm bị cảnh báo do phát hiện chất gây ô nhiễm môi trường, vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng phụ gia thực phẩm… đặc biệt là có nhiều sản phẩm là thực phẩm mới chưa được cấp phép.
Năm 2024, Việt Nam có 114 cảnh báo từ EU. Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản yêu cầu báo cáo về kết quả xử lý cảnh báo. Tuy nhiên, đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam mới nhận được 63/114 (chiếm 55,3 %) cảnh báo có kết quả xử lý; trong đó 57 sản phẩm thuộc quản lý của Cục Bảo vệ thực vật và 6 sản phẩm thuộc quản lý của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Số còn lại 51/114 (chiếm 44,7%) tổng cảnh báo năm 2024, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được thông tin kết quả xử lý.

Sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP sẽ nâng cao giá trị cạnh tranh và xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Trước sự thay đổi liên tục trong quy định nhập khẩu nông sản, thực phẩm của thị trường EU, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam mong muốn ngoài nhanh chóng cập nhật, thông tin từ thị trường đến hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng xây dựng các tài liệu hướng dẫn dễ hiểu, chi tiết về quy trình sản xuất, đói gói, xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cảnh báo, vừa qua có hiện tượng “đánh cắp” chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu. Điều này rất nguy hiểm, nếu sản phẩm xuất khẩu không đạt sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng, uy tín quốc gia; sản phẩm dễ bị nâng tần suất kiểm soát. Do đó, các doanh nghiệp có chứng nhận cần thận trọng, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận của mình.
“Nếu tuân thủ tốt các quy định của thị trường nhập khẩu thì bản thân doanh nghiệp, quốc giai sẽ không bị mất thị phần, đóng góp nhiều hơn kim ngạch xuất khẩu”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật chi tiết quy định của EU về thực phẩm hỗn hợp, bao gồm các sản phẩm có thành phần nguyên liệu từ động vật; quy định về thực phẩm mới và phụ gia thực phẩm; quy định về ghi nhãn nông sản thực phẩm.
Trước đó, ngày 20/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1407/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về thông tin báo chí phản ánh "Thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo".
Theo đó, nhiều loại thực phẩm liên tục bị EU cảnh báo, khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một số doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới, vi phạm quy trình phê duyệt của châu Âu. Nhiều trường hợp khai báo không đúng theo hồ sơ đăng ký về nguyên liệu, nhất là các thành phần có thể gây dị ứng cho người tiêu dùng, làm dấy lên mối lo ngại lớn về minh bạch và an toàn thực phẩm.
Nghiêm trọng hơn, một số sản phẩm chứa phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt mức quy định, khiến EU buộc phải ra lệnh thu hồi ngay lập tức. Hoặc nhiều lô hàng có thành phần từ động vật nhưng lại không thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu, vi phạm trực tiếp các quy định an toàn sinh học của EU.