Bầu cử Đức tạo lực đẩy cho đồng euro và thị trường chứng khoán
Các quyết định chính sách của chính quyền mới của Đức được coi là rất quan trọng khi quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng trì trệ ...
Đồng euro tăng giá và chỉ số DAX 30 của Đức tăng điểm vào đầu phiên 24/2 sau khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, đưa nhà lãnh đạo phe bảo thủ Friedrich Merz vào đường đua trở thành thủ tướng tiếp theo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng chính quyền của ông Merz sẽ nới lỏng kỷ nguyên chính sách tài khóa thắt chặt ở Đức, mang lại cho nền kinh tế từng là động lực tăng trưởng của châu Âu một cú hích rất cần thiết.
Chỉ số DAX đã tăng 0,8% vào đầu phiên, trong khi chỉ số MDAX của các công ty vốn hóa trung bình tăng 1,6%. Đồng euro mạnh lên so với tất cả các đồng tiền trong Nhóm G10, tăng tới 0,7% so với đồng USD. Trái phiếu Đức giảm nhẹ khi mở cửa do triển vọng phát hành thêm nợ.
Các quyết định chính sách của chính quyền mới được coi là rất quan trọng khi quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh các mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và hậu quả của cuộc căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên 24/2, theo sau đà giảm trên phố Wall sau khi ghi nhận một loạt dữ liệu đáng thất vọng làm gia tăng lo ngại về nền kinh tế “đầu tàu” thế giới.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2% xuống 3.373,03 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,2% lên 23.522,37 điểm. Thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.
Chứng khoán Seoul, Mumbai, Đài Bắc, Manila, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng giảm điểm.
Sau phiên giao dịch khởi sắc ngày 21/2, các nhà đầu tư châu Á chật vật duy trì đà tăng sau khi chứng khoán Mỹ ghi nhận đà giảm mạnh, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất hơn 2%.
Làn sóng bán tháo xuất hiện sau khi một báo cáo cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ quan trọng đã chạm mức thấp nhất 25 tháng trong tháng 2/2025, trong khi một dữ liệu khác cho thấy niềm tin của người tiêu dùng giảm gần 10% so với tháng 1/2025.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác dự báo lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 30 năm.
Những số liệu này được đưa ra sau một loạt dữ liệu gần đây cho thấy thị trường lao động đang suy yếu và giá cả tiếp tục tăng nhanh hơn so với mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, những lo ngại ngày càng gia tăng rằng kế hoạch áp thuế nhập khẩu, cắt giảm thuế, siết chặt nhập cư và bãi bỏ các quy định của ông sẽ "thổi bùng" lại lạm phát. Điều đó đã khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về số lần cắt giảm lãi suất mà Fed sẽ thực hiện trong năm nay.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 7,81 điểm (0,60%) lên 1.304,56 điểm, chỉ số HNX-Index tăng 0,92 điểm (0,39%) lên 238,49 điểm.