Triển khai các giải pháp đáp ứng chính sách xanh của châu Âu

Thủ tướng vừa chỉ đạo tăng cường chính sách kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng bền vững, đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu xanh hóa từ Liên minh châu Âu (EU).

Theo công điện gửi đến các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và các tổng công ty, tập đoàn, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ hoàn thiện các chính sách, quy định và tiêu chuẩn phù hợp với cam kết quốc tế về kinh tế tuần hoàn, đồng thời nghiên cứu các quy định về thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại và hàm lượng tái chế trong vật liệu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào việc xây dựng các chính sách quản lý chất thải, thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng đối với những ngành nghề chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU.

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng cần cập nhật thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các quy định xanh, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bài bản. Các tập đoàn, tổng công ty cần lồng ghép tiêu chí bền vững vào chiến lược kinh doanh; đầu tư vào công nghệ xanh, tái chế nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí nhà kính.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiêu dùng bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các quy định xanh từ EU, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế dài hạn, bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới, áp dụng các mô hình sản xuất và kinh doanh xanh để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế một cách bài bản.

EU đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu. Đáng chú ý là Chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn" (Farm to Fork - F2F) và Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (new Circular economy action plan - CEAP), tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến.

Bên cạnh đó, các chính sách về đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) và quản lý chất thải cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Dự kiến, danh sách các chính sách này sẽ còn tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững vào năm 2050.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trien-khai-cac-giai-phap-dap-ung-chinh-sach-xanh-cua-chau-au-316181.html
Zalo