Trí tuệ nhân tạo và quá trình tự chủ vũ khí trên thế giới
Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã khiến nhu cầu quân sự của các cường quốc quân sự trên thế giới có nhiều thay đổi. Dưới sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), các cường quốc quân sự trên thế giới đã tích cực triển khai các dự án tự chủ vũ khí.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vũ khí
Tháng 5-2024, một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt đó là tại Căn cứ Không quân Edwards, Mỹ, Không quân nước này đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm lịch sử trên máy bay chiến đấu tự động X-62A VISTA được hỗ trợ bởi AI. Hành khách đặc biệt trên chuyến bay là Bộ trưởng Không quân Frank Kendall. Trong chuyến bay kéo dài khoảng 1 giờ, mọi hoạt động của máy bay chiến đấu X-62A VISTA đều do AI điều khiển.
Ngoài ra, Không quân Mỹ đang phát triển “máy bay hiệp đồng tác chiến” được trang bị hệ thống lõi tự động không người lái "Sky Borg", phối hợp với các máy bay chiến đấu có người lái trong các hoạt động để thực hiện chức năng giám sát, tấn công, gây nhiễu điện tử, thả mồi nhử để tối đa hóa khả năng an toàn và chiến đấu của đội hình.
Các nhà phân tích tin rằng, vũ khí tự động được hỗ trợ bởi AI sẽ không chỉ thay đổi cục diện các cuộc chiến tranh trong tương lai mà còn tạo ra những tác động mới đến tình hình an ninh quốc tế hiện nay. Theo một số quan điểm trong quân đội Mỹ, AI có khả năng thay đổi hầu hết mọi khía cạnh của chiến trường. Một lĩnh vực quan trọng là tăng cường khả năng tự chủ của vũ khí. Quân đội Mỹ đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào lĩnh vực này và chiếc X-62A VISTA là một thành tựu mang tính bước ngoặt.
Việc nghiên cứu AI của Nga cũng bắt đầu từ rất sớm. Bộ Quốc phòng Nga đã thành lập bộ phận nghiên cứu vũ khí AI vào năm 2022 để tăng cường sử dụng công nghệ AI và phát triển các thiết bị đặc biệt mới. Tổ hợp robot đa chức năng Depesha và Buggy do Tập đoàn Rostec của Nga phát triển không chỉ vận chuyển hàng hóa và người bị thương mà còn có thể tấn công nhân lực và thiết bị cũng như các công sự của đối thủ.
Đức và Israel cũng tăng cường nỗ lực nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực liên quan. Với sự hỗ trợ của NATO, Công ty ARX Robotics của Đức đang phát triển một loạt phương tiện mặt đất không người lái. Dưới sự trợ giúp của AI, các phương tiện này có thể hoạt động tự động trên chiến trường và liên lạc với nhau, đồng thời cũng có thể điều khiển từ xa nếu cần thiết. Giới phân tích cho rằng, động thái này đồng nghĩa với việc NATO đang khởi động quá trình “xây dựng lực lượng robot tự hành”.
Xe chiến đấu không người lái cỡ vừa M-RCV của quân đội Israel có mức độ thông minh cao và có thể thực hiện trinh sát biên giới, tấn công, mang và thu hồi máy bay không người lái (UAV) cũng như các nhiệm vụ đa dạng khác mà không cần sự can thiệp của con người.
Cuộc cách mạng quân sự trong tương lai
Vũ khí tự động được hỗ trợ bởi AI đã xuất hiện trong các cuộc xung đột. Trong cuộc xung đột quân sự ở Libya năm 2020, UAV “Kagu-2” do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã theo dõi và tấn công “Quân đội Quốc gia Libya” mà không cần dựa vào người điều khiển. Đây có thể là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc UAV tấn công con người mà không có sự chỉ huy của con người.
Trong cuộc xung đột Israel - Palestine, AI cũng đã được áp dụng. Israel đã sử dụng hệ thống AI có tên “Lavender” để giúp xác định danh tính các chiến binh Hamas trong cuộc tấn công ở Gaza.
Vũ khí tự động được hỗ trợ bởi AI đang thay đổi hình thức chiến tranh. Các hình thức chiến tranh trong tương lai có thể sẽ được kiểm soát một phần hoặc hoàn toàn bởi AI.
Các tổ hợp không người lái bao gồm các loại cơ bản như UAV, xe không người lái, tàu không người lái, tàu ngầm không người lái… sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống lực lượng tác chiến tương lai, thậm chí có thể đạt đến trình độ ngang bằng với hệ thống tác chiến có người lái.
Cùng với sự phát triển của khả năng tự chủ và trình độ công nghệ hóa, các tổ hợp hệ thống không người lái sẽ ngày càng chiếm vai trò quan trọng, trở thành “vai chính” trong chiến tranh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc hiệp đồng tác chiến với các hệ thống có người lái chỉ là giai đoạn đầu trong quá trình tự chủ tác chiến của các hệ thống không người lái. Mục tiêu cuối cùng của tổ hợp hệ thống không người lái là đạt được tự chủ tác chiến hoàn toàn.
Vũ khí tự động được hỗ trợ bởi AI tác động đến sự ổn định địa chính trị. Sự ổn định địa chính trị phụ thuộc vào sự cân bằng tương đối của sức mạnh quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí tự động không người lái trên quy mô lớn chắc chắn sẽ tác động đến cục diện vốn có và dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.
TƯỜNG VY (theo Báo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc)