Trí tuệ nhân tạo: UAE dùng AI để gọi mưa giữa sa mạc

Ảnh minh họa. Nguồn: AP
* Chính phủ Anh phát triển công cụ ứng dụng AI viết đơn xin việc
Dù đã đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu và thử nghiệm suốt nhiều thập kỷ, nhưng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) - quốc gia vùng Vịnh giàu có nằm giữa một trong những sa mạc lớn nhất thế giới - vẫn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm mưa.
Tại Diễn đàn quốc tế về tăng cường mưa được tổ chức hồi tháng trước ở Abu Dhabi, các quan chức và chuyên gia đã đặt kỳ vọng mới vào trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quá trình gieo mây, phương pháp sử dụng máy bay để bắn muối hoặc hóa chất vào mây nhằm tăng lượng mưa.
Theo ông Luca Delle Monache, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan (thuộc Viện Hải dương học Scripps, Đại học California San Diego), hệ thống này gần như đã hoàn thiện, chỉ còn chờ tinh chỉnh những khâu cuối cùng.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận AI không phải là "phép màu" để giải quyết hoàn toàn vấn đề. Công nghệ gieo mây đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và được nhiều quốc gia áp dụng. Điều này có thể giúp tăng lượng mưa lên khoảng 10-15%, nhưng chỉ hoạt động với những đám mây có tính chất đặc thù và có thể phản tác dụng nếu không được thực hiện đúng cách.
Dự án AI nói trên kéo dài 3 năm, được tài trợ 1,5 triệu USD từ chương trình tăng cường mưa của UAE. Công nghệ này hoạt động bằng cách phân tích dữ liệu từ vệ tinh, radar và các mô hình thời tiết, sau đó đưa ra dự đoán về vị trí có thể gieo mây trong 6 giờ sau đó.
Nếu thành công, hệ thống này sẽ cải thiện phương pháp hiện tại, vốn dựa vào các chuyên gia ngồi phân tích hình ảnh vệ tinh để điều hướng máy bay gieo mây. Hàng trăm chuyến bay như vậy được thực hiện mỗi năm tại UAE.
Với lượng mưa trung bình chỉ khoảng 100 mm mỗi năm, gần 10 triệu người dân tại UAE chủ yếu dựa vào nước biển khử mặn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.
Các nhà máy lọc nước của quốc gia này chiếm 14% tổng công suất khử mặn của thế giới, nhưng vẫn cần đến nguồn nước ngầm – vốn chỉ có thể được bổ sung bằng lượng mưa tự nhiên hoặc nhân tạo.
Dù Chính phủ UAE khẳng định lượng mưa đã tăng nhờ các nỗ lực gieo mây, nhưng ở đất nước này, những cơn mưa vẫn hiếm đến mức trẻ em thường reo hò, vỗ tay và chạy ra cửa sổ ngắm nhìn mỗi khi trời trút nước.
Mưa thậm chí còn trở thành một trải nghiệm xa xỉ: tại Phố mưa Dubai, du khách phải trả 300 dirham (81 USD) để đi dạo trong những hạt mưa nhân tạo.
Truyền thống cầu mưa cũng vẫn được các gia đình hoàng gia tại vùng Vịnh duy trì.
Dù AI đang mở ra hy vọng mới, nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo không nên phụ thuộc quá mức vào công nghệ này.
Giáo sư Marouane Temimi thuộc Viện Công nghệ Stevens (New Jersey, Mỹ), nhấn mạnh rằng sự thiếu hụt dữ liệu chi tiết về cấu trúc đám mây là một trở ngại lớn. Việc thiếu các thiết bị giám sát đắt đỏ khiến các mô hình AI chưa thể đạt độ chính xác tuyệt đối.
* Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh đang phát triển các công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) viết lý lịch (CV) và đơn xin việc cho người tìm việc nhằm giảm tải công việc cho nhân viên các trung tâm việc làm, giúp họ tập trung vào các nhiệm vụ phức tạp hơn, đồng thời cắt giảm chi phí phúc lợi của nước này.
Các quan chức chính phủ dự kiến hoàn thành kế hoạch trong vòng một năm và hiện đang xác định xem sẽ tự phát triển các công cụ này trong các bộ ngành hay thuê khu vực tư nhân thực hiện.
Kế hoạch là một phần trong nỗ lực của chính phủ Công đảng nhằm tăng số người tham gia lực lượng lao động và giảm chi phí của hệ thống phúc lợi.
Theo Ủy ban kinh tế Thượng viện Anh, nước này hiện chi khoảng 65 tỉ bảng Anh (hơn 81 tỉ USD)/năm cho trợ cấp mất khả năng lao động và khuyết tật, nhiều hơn chi cho quốc phòng.
Thủ tướng Keir Starmer đặt mục tiêu đạt tỉ lệ việc làm 80% so với mức 75% hiện nay, bằng cách tăng thêm khoảng 2 triệu người làm việc, gồm những người thất nghiệp đang tìm việc và những người nhận trợ cấp do vấn đề sức khỏe không bắt buộc phải tìm việc.
Tại Anh, có khoảng 650 trung tâm việc làm với khoảng 16.500 tư vấn viên, chịu trách nhiệm tư vấn cho người tìm việc cũng như người xin trợ cấp lao động.
Một quan chức cấp cao cho biết các tư vấn viên việc làm có thể làm nhiều việc có giá trị hơn là ngồi viết lại CV cho người xin việc.
Các đề xuất cải tổ mạng lưới trung tâm việc làm được đưa ra vào tháng 11/2024 nhằm giúp các tư vấn viên việc làm cung cấp hỗ trợ "cá nhân hóa", trong đó có ứng dụng máy học để phản hồi các truy vấn nhanh hơn.
Một báo cáo do Viện Tony Blair và công ty Faculty AI công bố vào mùa Hè năm ngoái kêu gọi Bộ Lao động và Lương hưu áp dụng công nghệ vào toàn bộ hoạt động.
Theo báo cáo, các công cụ AI có thể giúp những người tìm việc sửa CV và đơn xin việc, phát hiện những thiếu sót của họ trong kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện phỏng vấn.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh không có ý định thay thế các tư vấn viên việc làm hoàn toàn bằng AI, nhấn mạnh công nghệ tiên tiến này nhằm cung cấp các lựa chọn để nâng cao chất lượng dịch vụ của các trung tâm việc làm.
Trong khi đó, ở góc độ các nhà tuyển dụng, họ cho biết việc có nhiều người sử dụng AI để chỉnh sửa đơn xin việc dẫn đến số lượng đơn tăng nhưng chất lượng giảm khiến các nhà tuyển dụng mất nhiều công sức hơn cho việc sàng lọc hồ sơ.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)