Người tiêu dùng cẩn trọng khi mua sắm qua app Temu

Trong khoảng một tháng trở lại đây, thị trường bán lẻ trong nước, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử xôn xao về một App mua sắm mới, đó là Temu - một nền tảng mua sắm của doanh nghiệp điện tử Trung Quốc. Người tiêu dùng vẫn còn không ít hoài nghi khi Temu xuất hiện rầm rộ nhưng vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Thâm nhập thị trường, Temu đã dồn dập thực hiện các biện pháp chiếm lĩnh thị trường một cách nhanh chóng, tạo nên không ít thách thức, lấn lướt với các doanh nghiệp bán lẻ và nền tảng thương mại trực tuyến khác. Và với những chiêu trò có vẻ mang lại nhiều lợi ích cho người mua, Temu đã hút được khá nhiều khách hàng trải nhiệm mua sắm.

Anh Lê Anh Huy (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Đây là một app mới gia nhập thị trường Việt Nam, tôi thấy giá sản phẩm khá rẻ so với các app khác. Bên cạnh đó, do có nguồn hàng từ quốc tế nên nhiều loại hàng hóa không có mặt tại Việt Nam thì vẫn có thể tìm kiếm trên app này".

Cũng đang dùng app Temu để mua sắm, nhưng khi tìm hiểu hàng hóa bày bán trên app này, anh Đức Anh (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) lại thấy đôi chút băn khoăn: "Sản phẩm trên sàn Temu này rất đa dạng, bao gồm đồ gia dụng hoặc những sản phẩm điện tử. Mình thấy nó khá giống như sàn Shopee, tuy nhiên, về phần hình ảnh, mình thấy Temu có vẻ như đang bắt chước khá giống một số thương hiệu lớn nhưng giá lại rất rẻ nên cũng có chút băn khoăn".

Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt. Đây là nền tảng mua sắm trực tuyến thuộc một tập đoàn lớn của Trung Quốc. Temu ra mắt tại Mỹ năm 2022, đến nay nền tảng bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới này đã có mặt ở 70 thị trường, giá trị giao dịch trong năm nay đã đạt gần 30 tỷ USD. Temu đã thay thế eBay trở thành trang website thương mại điện tử được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới sau Amazone.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ: "Temu có một mô hình tương đối mới mẻ so với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới trước đây mà chúng ta đã biết. Về bản chất, các hàng hóa, sản phẩm trên Temu được kết nối với người tiêu dùng trực tiếp từ những nhà sản xuất tại nguồn. Trên những trang chủ của Temu, bản thân họ cũng có giới thiệu rất cụ thể rằng, họ có những chính sách trực tiếp và đây là lý do vì sao giá bán sản phẩm của họ lại rẻ như vậy. Bỏ qua các khâu trung gian của các nhà bán lẻ, những người bán tại các sàn như sàn nội địa Việt Nam chúng ta thường thấy là những mô hình như B-C (những người phân phối, bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng), nhưng Temu thì họ có những đặc thù riêng".

Các chính sách cung cấp hàng hóa từ nhà sản xuất tới tận tay người tiêu dùng không có gì mới mẻ. Nó là phương thức loại bỏ hoàn toàn khâu trung gian trong cạnh tranh bán hàng và Temu lựa chọn phương thức này. Có người nhìn nhận đây là luồng gió mới của thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa được cấp phép chính thức nhưng cũng phải thừa nhận, thị trường đã rộ lên thông tin và sự quan tâm khi sản phẩm hàng hóa xuyên biên giới đang tràn vào thị trường của Việt Nam với giá thành rẻ, nhiều mặt hàng rẻ đến khó tin... trong khi nhiều người tiêu dùng hồ hởi trải nghiệm dịch vụ cung cấp mới thì phản ứng của các doanh nghiệp như thế nào?

Bà Trịnh Kim Thư, CEO MDQueens cho biết: "Khi sàn Temu về Việt Nam, chúng tôi thấy họ có tốc độ rất nhanh để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường với rất nhiều khách hàng tải app. Với một doanh nghiệp sản xuất truyền thống như chúng tôi, đây cũng là một điều đáng lo ngại".

Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết: "Khi mà áp dụng thương mại điện tử vào thì năng suất, chất lượng sản phẩm đã được nâng cao so với thời gian trước đây rất nhiều. Và với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì họ thấy rất lo ngại vì các đơn hàng của họ sẽ ngày càng ít đi. Rồi lợi nhuận của họ rất khó cạnh tranh. Bởi vì, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lợi nhuận chỉ từ 5-10%. Nếu bị cạnh tranh từ các sàn thương mại điện tử doanh nghiệp phải lập các kênh bán hàng đa kênh trên nhiều nền tảng khác nhau, tuy nhiên, mức chiết khấu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tương đối cao. Có những sản phẩm áp dụng chiết khấu lên đến tận 25%. Khi áp dụng mức chiết khấu cao như vậy, cùng với sự cạnh tranh lớn của những đơn hàng thương mại điện tử giảm giá với mức tối đa nhất khoảng 90%, như vậy thì điều này gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp".

Ông Phạm Đình Thưởng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho hay: "Hoạt động thương mại điện tử với các mô hình làm cho việc giao hàng, nhận hàng rất nhanh chóng, thuận tiện cho người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều nước đang quan tâm để có hướng xử lý các hoạt động trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thậm chí có nước cũng đã cấm. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng cần phải có sự đánh giá rất nghiêm túc về hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, vì nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh. Thứ nhất là nó ảnh hưởng đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử đang hoạt động hợp pháp ở Việt Nam. Thứ hai là hàng hóa giá rẻ ở nước ngoài hàng Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa sản xuất trong nước thông qua thương mại điện tử. Thứ ba là chúng ta có thể thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới".

Những phân tích nêu trên cho thấy, ở góc độ của doanh nghiệp và người làm chính sách, ở góc độ bảo vệ sản xuất trong nước và quản lý thị trường, chất lượng hàng hóa... được đặt ra khá rõ .

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp trong nước có thực lực mạnh, đạt chứng nhận thương hiệu quốc gia nhiều năm liên tục, có nhà máy sản xuất hiện đại , có kênh phân phối phủ sóng toàn quốc.... thì lại có những góc nhìn khá tự tin.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: "Những nhà cung cấp dịch vụ ở các nền tảng của Việt Nam cũng có chút ảnh hưởng vì họ phải thay đổi để có chút cải thiện hơn nữa, để làm sao giá sản phẩm được cạnh tranh hơn với các nền tảng xuyên biên giới như vậy".

Temu không phải là nền tảng xuyên biên giới đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng cách Temu vào Việt Nam lại khác hoàn toàn. Temu quảng cáo rầm rộ, khuyến mại cực lớn lên đến 90%, nhiều chiêu câu khách như: miễn phí giao - nhận hàng; Thời hạn giao hàng nhanh, cho phép khách nhận tiền hoàn mà không cần trả hàng trong một số trường hợp như: hàng hóa bị hư hỏng hoặc có khiếm khuyết, nhận sai mặt hàng hoặc thiếu hàng trong đơn; Có app tiếng Việt, cài đặt dễ dàng; Chiết khấu cao.

Ví dụ, ở thời điểm ra mắt tại Việt Nam, Temu giảm giá 70.000 đồng cho đơn hàng trên 750.000 đồng, 170.000 đồng cho đơn hàng trên 1.250.000 đồng và 250.000 đồng cho đơn hàng trên 1.850.000 đồng.

Tuy nhiên, Temu cũng có nhiều hạn chế như khách hàng phải có thẻ visa hoặc apple Pay, phải trả tiền trước rồi chờ đơn hàng được giao đến. Trong khi với thói quen tiêu dùng của người Việt, việc phải trả tiền trước cho tất cả những món hàng mà mình chưa biết chất lượng ra sao, vẫn không thật sự thoải mái cho lắm. Và đây được xem là rủi ro. Thậm chí, đã có người quyết định xóa áp, không sử dụng... vì thấy có những quy định không phù hợp.

Bà Trịnh Kim Thư, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội: "Khi chúng tôi đặt hàng để mua, nó không giống như là trên Shoppee hay Lazada là thanh toán khi nhận hàng mà ở đây, chúng ta phải thanh toán trước, mặc dù chưa biết chất lượng sản phẩm như thế nào. Đó là lý do tại sao mà sau khi chúng tôi thử trải nghiệm trên cương vị là một khách hàng thì tôi đã xóa app Temu đi và không sử dụng nữa".

Anh Lê Anh Huy, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội cho hay: "Tôi thấy có hai cái lớn nhất. Thứ nhất là rủi ro liên quan đến thanh toán, cái này bắt buộc phải sử dụng thẻ visa mà thẻ này liên quan đến bảo mật thông tin. Do đó, khi app mới về Việt Nam, không biết chính sách bảo mật thông tin cho khách như thế nào. Bên cạnh đấy, đa phần là các giao dịch quốc tế nên nếu có vấn đề gì liên quan đến đổi trả sẽ khá khó khăn, do thời gian vận chuyển hàng cũng như là rào cản ngôn ngữ có thể gặp phải trong quá trình giao dịch".

Không chỉ với chị Thư hay anh Huy mà rất nhiều người tiêu dùng Việt đang tỏ ra hoài nghi về nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có cái tên Temu này. Trên các hội nhóm, nghe chừng có vẻ quan tâm nhiều đến app này như “Những người yêu thích Temu”, “Kiếm tiền cùng Temu”... cũng dễ dàng thấy các comment thể hiện sự hoài nghi, chán nản và cả những trải nghiệm mua sắm không như mong muốn.

Có hồ hởi, có hoài nghi khi Temu xuất hiện, bởi Temu vẫn chưa được cấp phép tại Việt Nam. Liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tích cực phối hợp với Ủy ban cạnh tranh rà soát lại các quy định và tăng cường nhận thức của người tiêu dùng. Hiện nay, theo luật bảo vệ người tiêu dùng mới đối với nền tảng số và đặc biệt là kinh doanh trên không gian mạng, Temu cũng là hoạt động kinh doanh đặc thù và người tiêu dùng thì có quyền được biết và được bảo vệ dựa trên cơ sở nền tảng pháp luật đã có.

Sau gần cả tháng hoạt động trái phép trên thị trường Việt Nam, trước phản ứng của dư luận, Temu đã có văn bản xin cấp phép hoạt động.

Những thực tế nêu trên có thể mới chỉ phản ánh một phần những "góc khuất" cần lưu tâm đối với cái tên Temu. Giải pháp quản lý nào để vừa không vi phạm các thỏa thuận thương mại, vừa bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng là vấn đề cần được quan tâm. Bởi xu thế thương mại điện tử và tính toàn cầu của nó là đương nhiên. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua yếu tố về tính hợp lý, về giá cả, chất lượng đối với bất cứ sản phẩm nào khi tới tay người tiêu dùng.

Lan Anh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nguoi-tieu-dung-can-trong-khi-mua-sam-qua-app-temu-277903.htm
Zalo