Trí tuệ nhân tạo góp phần quan trọng trong nghiên cứu vật liệu cho tương lai bền vững

Ngày 4-12, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, phát biểu mở đầu chuỗi tọa đàm Khoa học vì cuộc sống đã nhấn mạnh các tọa đàm không chỉ là diễn đàn học thuật mà còn là nguồn cảm hứng để phát triển các ý tưởng, giải pháp cho tương lai bền vững.

Tọa đàm đầu tiên, "Vật liệu cho tương lai bền vững"

Tọa đàm đầu tiên, "Vật liệu cho tương lai bền vững"

Tại tọa đàm Vật liệu cho tương lai bền vững, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng trong lĩnh vực vật liệu và năng lượng xanh, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện đang trở thành những trụ cột quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng năng lượng và giảm thiểu khí thải carbon. Đặc biệt, vật liệu cho pin mặt trời đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng hiệu suất chuyển đổi năng lượng và giảm chi phí sản xuất.

Những tiến bộ này không chỉ giúp tăng khả năng tiếp cận năng lượng sạch mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng, nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới cho pin mặt trời là yếu tố cốt lõi trong việc mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, từ đó đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.

Chung nhận định này, GS Richard Henry Friend từ Đại học Cambridge nhấn mạnh sự quan trọng của năng lượng tái tạo, đặc biệt là pin mặt trời, trong việc giảm thiểu khí thải CO2 và cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng. Giáo sư Martin Green từ Đại học New South Wales trình bày sự tiến bộ trong công nghệ pin mặt trời, với giá thành giảm mạnh và hiệu suất tăng từ 16% lên 21,6% trong 10 năm qua.

Ông cũng giới thiệu các công nghệ mới hứa hẹn tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất năng lượng… Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng trao đổi về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tối ưu hóa thiết kế và sản xuất vật liệu, đồng thời cải thiện quy trình tái chế, đặc biệt là tái chế bạc trong pin mặt trời.

GS Martin Green cũng ủng hộ vai trò của AI trong nghiên cứu vật liệu. Ông cho biết AI đã giúp rút ngắn quá trình mô phỏng và đưa ra các hướng nghiên cứu tiết kiệm thời gian, tạo ra "đường tắt" trong việc phát triển vật liệu.

Những tiến bộ trong công nghệ AI và nghiên cứu vật liệu bền vững sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu Net Zero và đảm bảo tính bền vững ngay từ khi thiết kế. Những cải tiến này là yếu tố then chốt để triển khai nhanh chóng các công nghệ năng lượng mặt trời sạch, hiệu quả và bền vững.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tri-tue-nhan-tao-gop-phan-quan-trong-trong-nghien-cuu-vat-lieu-cho-tuong-lai-ben-vung-post771358.html
Zalo