Tri thức khai thác, chế biến yến sào Khánh Hòa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 11-12, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết, ngày 10-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, đã đưa Tri thức khai thác và chế biến yến sào Khánh Hòa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lịch sử ngành nghề yến sào ở Khánh Hòa được ghi nhận đến nay đã gần 700 năm, với nhiều phong tục, tín ngưỡng tưởng nhớ, tri ân đến thủy tổ ngành nghề và các bậc tiền bối dày công vun đắp cho sự phát triển vẫn được giữ gìn, thực hành trong đời sống hiện nay.
Vào năm 1328, trong chuyến công cán vào phương Nam, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt đã phát hiện ra các hang đảo yến ở vùng biển phủ Bình Khang (tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Ông cho quân bảo vệ, khai thác, phát triển nguồn tài nguyên quý giá này và nghề khai thác, chế biến yến sào ra đời từ đó. Về sau, hậu duệ đời thứ 21 của ông là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang, cùng con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm - Đại đô đốc thủy quân Tây Sơn đã có công lớn trong việc bảo vệ, khai thác yến sào.
Ngày 10-5 năm Kỷ Sửu (1793), bà Lê Thị Huyền Trâm cùng cha đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến. Từ đó, người dân suy tôn bà là Bảo yến đảo chủ Thánh Mẫu và lập miếu thờ trên các đảo yến. Ngày 10-5 âm lịch hàng năm, được người dân địa phương tổ chức lễ hội tại đảo yến Hòn Nội để tưởng nhớ công đức lớn lao của bà Lê Thị Huyền Trâm và các vị tiền nhân đã sáng lập, phát triển ngành nghề yến sào. Ngày nay, Lễ hội yến sào đã trở thành một trong những lễ hội truyền thống của người dân Khánh Hòa.
Có thể thấy, nghề khai thác, chế biến yến sào ở Khánh Hòa chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, đặc sắc và rất quan trọng đối với người dân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những tri thức khai thác, chế biến yến sào của cộng đồng dân cư ở TP. Nha Trang và một số địa phương khác trong tỉnh là kho tàng quý giá vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội. Vậy nên, việc bảo tồn, phát huy tri thức dân gian nghề nghiệp trong việc khai thác, chế biến yến sào rất cần được bảo lưu, gìn giữ cho hôm nay và mai sau.