Trên đường tới World Cup

Cuối năm 2024, Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt.

Tại văn bản này, liên quan tới các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia, mục tiêu đặt ra tới năm 2030 là đội tuyển nam nằm trong top 10, đội tuyển nữ nằm trong top 8 châu Á; tới năm 2045, đội tuyển nam nằm trong top 8 châu lục và giành quyền dự World Cup, đội tuyển nữ nằm trong top 6 châu Á và có vé dự các kỳ World Cup.

Lịch sử bóng đá Việt Nam trong 30 năm qua ghi nhận thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng của FIFA mà đội tuyển nam giành được là hạng 84 (năm 1998). Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, trình độ của đội tuyển Việt Nam thua khá xa so với các đội tuyển hàng đầu châu Á, và Thái Lan. Đầu năm 2021, đội tuyển Việt Nam xếp hạng 90 thế giới, thứ 13 châu Á nhưng chỉ vài tháng sau đã tụt hạng do thi đấu không tốt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Tuy nhiên, chính trong giai đoạn này, các “chiến binh sao vàng” đạt tới trình độ có thể chơi sòng phẳng với nhiều đội tuyển hàng đầu châu lục thay vì “cắn răng chịu trận” như trước đó.

Hiện tại, đội tuyển Việt Nam xếp hạng 112 thế giới, thứ 19 châu Á, xếp sau Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á. Vấn đề không chỉ nằm ở vị trí xếp hạng. Chức vô địch AFF Cup 2024 và “ánh sáng” từ phương án sử dụng cầu thủ có nguồn gốc nước ngoài không đủ để khỏa lấp nỗi lo trước sự đi xuống về phong độ của nhiều cầu thủ trụ cột và sự thiếu vắng những ngôi sao trẻ đủ sức thay thế họ một cách thuyết phục.

Top 20, top 15, top 10, top 8, khoảng cách về thứ hạng tưởng không quá lớn nhưng không dễ vượt qua trong thực tế, nhất là khi các nền bóng đá hàng đầu châu lục đã có sự ổn định ở trình độ cao trong khoảng thời gian dài, như Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Australia, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Uzbekistan... Muốn tạo được bước chuyển mạnh mẽ, bền vững trong 20 năm tới, qua đó đạt được mục tiêu đã đề ra, bóng đá Việt Nam cùng lúc phải giải quyết ổn thỏa khá nhiều vấn đề, trong đó, quan trọng nhất là tạo nguồn kinh phí xã hội hóa một cách ổn định, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ, đổi mới tổ chức giải vô địch quốc gia và hạng nhất quốc gia...

Nếu không tìm ra cách để thường xuyên có được những lứa cầu thủ “vàng” như đã thấy trong giai đoạn 2015 - 2017 với sự xuất hiện của những Quang Hải, Văn Hậu, Trọng Đại, Công Phượng, Đình Trọng, Hoàng Đức... và giúp họ tránh tự thỏa mãn quá sớm rồi “hưu non”, sẽ rất khó giành tấm vé dự World Cup.

Vũ Ngân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tren-duong-toi-world-cup-693193.html
Zalo