Trên đất làng Chí Cường
Nằm trên đất Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, làng Chí Cường (còn gọi là làng Tự) như một nét chấm lặng lẽ trong không gian rộng lớn, bao quanh của 3 con sông: sông Mã, sông Cầu Chày và sông Mậu Khê. Từ thuở xa xưa, nơi đây tập trung nhiều người từ các địa phương Nghệ An, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương... đến sinh cơ, lập ấp.
Trong các tài liệu địa phương còn ghi lại, tên làng được nhắc đến nhiều nhất là làng Tự, hay còn gọi là Lỗ Tự. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông Võ Tự Cường làm lý trưởng vì thế đổi tên làng là Tự Cường, còn cái tên Chí Cường thì từ năm 1951 mới chính thức xuất hiện.
Làng Tự ra đời vào loại sớm nhất trong vùng. Tuổi của làng có thể chỉ xếp sau làng Quan Yên (nơi sinh ra Bà Triệu); làng Giàng, làng Vồm... Khẳng định điều đó là bởi, năm 2008, một số người trong làng đã đào được chiếc trống đồng lớn, được đặt trong một cái am xây bằng gạch cuốn. Những viên gạch được đào lên cho thấy đó là sản phẩm có niên đại khoảng hơn 1.000 năm trước. Hiện chiếc trống đồng này được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Trong hành trình dựng làng, lập ấp, sử cũ ghi lại rằng, cách đây 600 năm, tướng Trần Lựu tập hợp trai tráng trong làng, luyện tập thành một đội quân tấn công đồn giặc ở Tư Phố, ở núi Go, nghĩa là cư dân trong làng lúc đó đã khá đông đúc. Trong đền thờ danh tướng Trần Lựu còn ghi những câu đối: Lỗ Tự tính cương di trạch quảng/ Lam Kinh thư khoán cố gia tồn (Giếng đời Lỗ Tự truyền ơn rộng/ Sử sách Lam Kinh chép tiếng nhà).
Xưa kia làng có diện tích canh tác hơn 200ha, nhưng phần lớn thuộc đồng chiêm trũng, do nằm trong vùng trũng lớn (hơn 3.000ha) giữa sông Cầu Chày và sông Chu. Trừ cánh đồng ven núi, bìa làng là ruộng cao, còn lại là đồng sâu, càng xa làng càng trũng.
Trong làng có nhiều dòng họ, như: Vũ, Hàn Viết, Trần Văn, Trần Quang, Nguyễn, Lê, Phạm, Phan, Đỗ, Đào... Lâu đời nhất là họ Trần Quang. Nhắc đến vùng đất này thì phải nhắc đến tướng Trần Lựu, người đã góp phần cùng nghĩa quân Lam Sơn lập nhiều chiến công, nổi bật nhất là chiến thắng Chi Lăng. Vì thế, ngoài việc được vua Lê Thái Tổ ban quốc tính, các đời vua từ nhà Lê đến nhà Nguyễn đã ban cho ông 14 đạo sắc phong và tôn là Thượng đẳng tôn thần.
Người dân trong làng, ngoài làm ruộng còn có nghề khác để sinh sống như nghề thợ mộc, thợ nề, chăn nuôi lợn... Làng được nhắc nhiều nhất là nghề dệt vải truyền thống. Vải làng Tự nổi tiếng khắp vùng bởi màu sắc, kiểu dáng và chất lượng. Trong làng, hầu như nhà nào cũng có dụng cụ dệt vải. Bên cạnh đó, nghề thợ nề (nghề xây dựng) của làng nức tiếng với những người thợ có tay nghề cao, cần cù, tỉ mẩn.
Làng Tự xưa, Chí Cường sau này mang đậm dấu ấn văn hóa làng, giống các làng ở vùng Bắc bộ, có cây đa, giếng nước, sân đình... Trong làng có đình, chùa, nghè Thượng, nghè Hạ, văn chỉ, võ chỉ, nhiều họ có nhà thờ lớn. Dẫn chúng tôi đến đình làng, ông Trần Quang Đạt, tổ trưởng bảo vệ bảo nông của làng, cho biết: Ngôi đình được dựng bằng gỗ lim từ hơn 600 năm trước. Để giữ gìn được đến ngày hôm nay, mỗi người dân trong làng luôn coi mình như những nét chạm trổ trên từng thớ gỗ.
Đình thờ 4 vị thần trong đó có thần Đông Hải đại vương tên là Nguyễn Phục. Khoa thi năm Quý Dậu (1453), ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, là người văn võ toàn tài. Năm 1463, trong khoa thi Quý Mùi, ông là một trong những vị giám khảo. Sách “Thanh Hóa chư thần lục” và các tài liệu chữ Hán còn lưu lại tại đình cho biết: Ông là người thanh liêm ngay thẳng, luôn hoàn thành sứ mệnh của mình, được triều đình trọng dụng, sai đi sứ phương Bắc. Không chỉ chăm lo cho sự bình an của Nhân dân, những tờ sớ dâng khuyên can đã khiến vua nể trọng vì thế mà thăng chức cho ông làm “Tham nghị thừa tuyên Thanh Hoa”.
Ngôi đình chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của làng. Nơi đây đã từng là địa điểm hội họp của tổ chức Việt Minh, của chi bộ Đảng khi còn hoạt động bí mật. Nơi đây cũng đã xảy ra cuộc bạo loạn do bọn phản động gây ra và được các đồng chí đảng viên tiêu biểu như Trần Minh Sơn, Trần Kim Cát... cùng các quần chúng chống trả. Cũng tại đình làng, tháng 3/1949 đã diễn ra Hội nghị nông dân toàn tỉnh.
Ngoài giá trị văn hóa, đình làng còn có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Dù đến nay, qua thời gian, hệ thống cột gỗ của đình đã xuống cấp, mối mọt, nhưng những mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo đã thể hiện trình độ tay nghề của người thợ trong làng.
Bên cạnh di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh đình làng Chí Cường; nghè Thượng, nghè Hạ cũng được bà con dân làng cung tiến để tôn tạo, sửa chữa.
Từ xa xưa, làng có nhiều nét văn hóa đẹp và độc đáo. Các đội hát phường vải, tuồng cổ, cải lương và sau này các đội hát chèo đã từng công diễn nhiều vở hay và để lại ấn tượng rất tốt cho người dân trong vùng. Lễ hội là thời điểm để quy tụ con cháu, đồng thời cũng là dịp “trưng trổ” những nét đẹp văn hóa làng. “Lễ hội làng tôi được tổ chức khá quy mô, cứ hai năm một lần vào ngày mùng 2 tháng Giêng. Tham gia lễ rước kiệu có 8 người trong ban tổ chức, 12 người của đội tế và đội lễ có 37 người”, ông Trần Quang Đạt cho biết thêm.
Không phải là đất học, đất võ, nhưng người làng Chí Cường luôn coi việc học làm trọng. Từ xa xưa dù nghèo đói nhưng nhiều gia đình đã cho con đi học chữ Hán, chữ Quốc ngữ; thậm chí là Pháp ngữ... Làng có nhiều người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ; có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; có gia đình ông Nguyễn Văn Nức, cả 5 người con đều tham gia kháng chiến, người con thứ 3 đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.
Từ ngôi đình chúng tôi có dịp dạo một vòng quanh làng, nay là thôn Chí Cường 3. Trong không khí hân hoan chuẩn bị đón nhận NTM nâng cao, người dân xã Thiệu Quang nói chung, mỗi người góp một phần công sức để phát triển kinh tế - xã hội của xã đồng thời không quên những giá trị văn hóa truyền thống tự thuở xưa cha ông để lại.
Bài viết sử dụng tư liệu trong sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân xã Thiệu Quang, 1930-2020, NXB Dân trí, 2022.