Trên 6,8 triệu hộ gia đình được vay vốn ưu đãi

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các cấp qua NHCSXH tăng 12,5 lần.

Chiều 14/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40).

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm, tạo lập nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các cơ chế, chính sách trong thực hiện Chỉ thị được các cấp nghiên cứu, ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cùng các đại biểu tham gia hội nghị tại đầu cầu Đắk Nông

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cùng các đại biểu tham gia hội nghị tại đầu cầu Đắk Nông

Đến 31/7/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ các cấp sang Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đạt hơn 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng dư nợ. So với năm 2014, nguồn vốn tăng 43.542 tỷ đồng, tương đương tăng gần 12,5 lần. Có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện trong cả nước đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn.

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương các cấp đã góp phần làm tăng nguồn lực để NHCSXH thực hiện công tác cho vay. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH triển khai đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với năm 2014.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trong 10 năm đạt 10,8%. Cả nước có 6,8 triệu hộ nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Trong đó, riêng nguồn vốn vay cho các địa bàn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt trên 124.000 tỷ đồng, với 556.000 hộ còn dư nợ.

Chất lượng tín dụng các chương trình từng bước nâng cao. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh trên toàn quốc chiếm 0,56% tổng dư nợ, giảm 0,37% so với năm 2014.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các cấp, ủy đảng, hệ thống NHCSXH trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội thời gian qua. Kết quả đó thể hiện qua từng con số, mô hình cụ thể ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh baochinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh baochinhphu.vn

Thời gian tới, nước ta đang đối mặt với không ít thách thức, ảnh hưởng đến nguồn lực, sự phát triển quy mô của nền kinh tế. Để thực hiện hiệu quả chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định Chỉ thị 40 là chính sách đúng đắn, góp phần thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội.

“Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tất cả chúng ta cần quán triệt sâu sắc, đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH cần thực hiện đúng phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả”.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mô hình, phương thức quản lý của NHCSXH cần hoàn thiện, đổi mới, sáng tạo hơn để phù hợp với thực tiễn. NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Cả hệ thống nâng cao chuyển đổi số, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhằm phục vụ tốt người dân.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội nâng cao hoạt động ủy thác với NHCSXH, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay. Trách nhiệm của các chủ tịch xã cần phải được nâng cao, nhằm nâng cao hiệu quả chính sách ngay tại cơ sở.

Về phía các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng bền vững, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí thường xuyên, liên tục.

Các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để NHCSXH cho vay, nhất là chương trình nhà ở xã hội, giải quyết việc làm, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Lương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tren-6-8-trieu-ho-gia-dinh-duoc-vay-von-uu-dai-226509.html
Zalo