Trekking khám phá đường đá cổ Pavie

Trải qua cả trăm năm lịch sử, đường đá cổ huyền thoại Pavie nằm sâu giữa đại ngàn, vắt mình qua ngọn núi Nhìu Cồ San kỳ vĩ nối liền xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) với xã Sìn Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)... đang thu hút những bước chân du khách thích trải nghiệm và can đảm.

Đỉnh núi Nhíu Cồ San (Sừng Trâu) - nơi có con đường đá cổ Pavie trên đường đi

Đỉnh núi Nhíu Cồ San (Sừng Trâu) - nơi có con đường đá cổ Pavie trên đường đi

Khi mới hình thành, đường đá Pavie có tổng chiều dài khoảng 80 km, là huyết mạch giao thông cho người và ngựa di chuyển từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại. Con đường đá này được Thống đốc người Pháp Auguste Jean - Marie Pavie cho xây dựng (nên được gọi là Pavie) từ năm 1920 và kéo dài 7 năm, gồm rất nhiều đá phiến, đá tảng và đá cuội lớn xếp lại, chiều rộng nhiều đoạn lên tới 3 m, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, những vạt thảo quả… vắt qua các dãy núi cao của vùng Tây Bắc.

Nhóm du khách trekking Pavie cùng những người dân bản Sìn Suối Hồ chia tay tại đoạn bắt đầu trekking đường đá Pavie

Nhóm du khách trekking Pavie cùng những người dân bản Sìn Suối Hồ chia tay tại đoạn bắt đầu trekking đường đá Pavie

Đường đá Pavie đẹp và không quá dốc, có cả bãi đáp sân bay trên vùng bình nguyên rộng lớn gần bản Nhìu Cồ San để tập kết và vận chuyển hàng hóa. Dù là do Thống đốc Pavie khảo sát và chỉ đạo xây dựng, nhưng những cư dân H’Mông sinh sống ở đây khẳng định rằng từ trước đó cha ông họ đã chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San bằng lối đi này và đã khai phá đến đất Lai Châu. Người Pháp chỉ tiếp tục mượn con đường của người H’Mông lập nên tuyến đường Pavie. Và, cũng chính người H’Mông bị bắt làm phu dịch lấy đá từ đỉnh Nhìu Cồ San để lát nên con đường xuyên núi...

Suối trong rừng sâu

Suối trong rừng sâu

Hiện nay, người H’Mông ở bản Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai) và người H’Mông ở bản Sàng Mà Pho (xã Sìn Suối Hồ, huyện Phong Thổ của tỉnh Lai Châu) có những mối quan hệ họ hàng thân tộc và thường xuyên qua lại thăm thân... Nếu đi theo các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ từ Sàng Mà Pho sang Sàng Ma Sáo thì phải đi tới khoảng 150 km, nhưng nếu đi đường đá cổ Pavie thì sẽ được rút ngắn xuống chỉ chừng hơn 20 km đường rừng.

Bạn hướng dẫn viên người H'Mông Giàng A Ku tại đèo Gió (đèo Chết Rét) là ranh giới 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, phía sau là mộ gió mà mỗi người đi qua đều đắp cỏ khô để mong cầu bình an

Bạn hướng dẫn viên người H'Mông Giàng A Ku tại đèo Gió (đèo Chết Rét) là ranh giới 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, phía sau là mộ gió mà mỗi người đi qua đều đắp cỏ khô để mong cầu bình an

Chúng tôi chọn bắt đầu chuyến trekking (đi bộ trong rừng - có độ khó, cần thể lực) đường đá cổ từ bản Sàng Mà Pho vì độ dốc trung bình của toàn tuyến đường thoai thoải và xuôi xuống. Đoạn đường đá cổ Pavie này nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, có độ dài khoảng 11 km, nằm sâu trong rừng, gần như còn nguyên trạng, ít người qua lại, có những đoạn đường đá phủ đầy rêu xanh mướt, những cánh rừng mênh mông và vắng vẻ, tầm gởi bám đầy lên cây cổ thụ,…

Khung cảnh đường đá cổ Pavie đẹp như tranh

Khung cảnh đường đá cổ Pavie đẹp như tranh

Đoạn đường cũng đi qua vài con suối chảy róc rách, những vạt thảo quả chớm nụ hồng tươi, những chồi non trên tán cây rừng, đám rau dại xanh mơn mởn, tiếng chim hót lảnh lót trong những khoảng trời mù sương, những tia nắng chiếu xuyên nhiều tầng cây... cùng với những câu chuyện ma mị về Bãi Sâu, đèo Chết Rét, đèo Chết Đói… khiến hành trình của chúng tôi bị cuốn hút bởi sự huyền bí trong những khung cảnh thần tiên... khiến những tiếng hú hét, những tiếng cười sảng khoái vang vọng tận trời xanh...

Đây là điểm gắn với giai thoại đèo Chết Đói, mà mỗi người đi qua đều để lại ít thức ăn hoặc nước uống với mong cầu ấm no

Đây là điểm gắn với giai thoại đèo Chết Đói, mà mỗi người đi qua đều để lại ít thức ăn hoặc nước uống với mong cầu ấm no

Tuy nhiên, trekking đường đá cổ Pavie thoải mái chừng nào, thì đoạn đường ngồi trên xe máy do thanh niên địa phương điều khiển hơn 10 km từ bản Sìn Suối Hồ (là nơi chúng tôi nghỉ đêm) đến bản Sàng Mà Pho (bắt đầu trekking); và hơn 10 km nữa từ điểm kết thúc trekking qua bản Nhìu Cồ San đến trung tâm xã Sàng Ma Sáo (đang làm đường), mới là thử thách cho sự can đảm; bởi những đoạn đường một bên là núi cao, một bên là vực sâu, bánh xe nảy qua những tảng đá trên mặt đường rộng có chỗ chưa đến nửa mét…

Hoàng hôn ở cuối đoạn trekking

Hoàng hôn ở cuối đoạn trekking

Nhưng bù lại, sau một ngày hoàn thành trekking và về đích đến là trung tâm xã Mường Hum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), ai trong đoàn trekking cũng cảm thấy vui sướng và tự hào với những trải nghiệm trên con đường mà quá khứ và hiện tại dù rất âm thầm, nhưng lại đang chứa đựng những giá trị lịch sử, nhân văn quý báu; và hứa hẹn chỉ nay mai sẽ mang đến nhiều lợi ích kinh tế - xã hội hơn...

TIỂU VÂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202504/trekking-kham-pha-duong-da-co-pavie-09f3472/
Zalo