Trẻ mắc virus RSV, khi nào cần đưa đi bệnh viện?
Virus RSV gây hô hấp cho trẻ nhỏ, nếu không phát hiện sớm, có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, cần chăm sóc và theo dõi kỹ.

RSV có các triệu chứng khá tương đồng với cúm nên rất khó phân biệt. Ảnh: Freepik.
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 5 tuổi. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, RSV có thể dẫn đến viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suy hô hấp.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong giai đoạn đầu mắc bệnh, nếu trẻ vẫn tỉnh táo, ăn uống tốt, chỉ sốt nhẹ và không khó thở, cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà. Việc này bao gồm: nhỏ và hút mũi đúng cách để làm thông thoáng đường thở, duy trì chế độ ăn phù hợp, chia nhỏ bữa ăn và sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn bác sĩ.
Một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết trẻ trở nặng là nhịp thở. Cụ thể:
Trẻ dưới 2 tháng: thở ≥ 60 lần/phút
Trẻ 2 tháng đến 1 tuổi: ≥ 50 lần/phút
Trẻ 1 đến dưới 5 tuổi: ≥ 40 lần/phút
Ngoài ra, các dấu hiệu như rút lõm lồng ngực, co kéo cơ thở, sốt cao liên tục, nôn nhiều, bỏ bú/bỏ ăn, lừ đừ, co giật... đều là cảnh báo cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Với các trường hợp RSV nặng, trẻ sẽ được điều trị tại cơ sở y tế: hỗ trợ thở oxy, truyền dịch nếu mất nước, dùng kháng sinh khi có bội nhiễm và theo dõi sát các biến chứng.
Hiện nay chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu RSV cho trẻ nhỏ. Do đó, phòng bệnh vẫn là biện pháp quan trọng nhất. Cha mẹ cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí, giữ ấm cho trẻ, vệ sinh tay thường xuyên, khử khuẩn đồ chơi, cho trẻ ăn đủ chất để tăng đề kháng, tiêm chủng đúng lịch và hạn chế tiếp xúc với người đang có triệu chứng cảm cúm. Khi trẻ có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám sớm.