Trẻ em mặc trang phục dân tộc nhảy nhót để xin tiền, lãnh đạo thị xã Sa Pa nói gì?
Trước hình ảnh nhiều em nhỏ mặc trang phục dân tộc nhảy phản cảm ở quảng trường Sa Pa để xin tiền khiến nhiều du khách bức xúc. Trước vấn đề trên, lãnh đạo UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã lên tiếng về hình ảnh này.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn video ngắn ghi lại hình ảnh các bé gái mặc trang phục dân tộc thiểu số nhảy xin tiền ở quảng trường Sa Pa. Nhiều bé lắc hông, xoay tay và có biểu cảm không phù hợp với lứa tuổi.
Trước vấn đề trên, một số du khách đã đăng tải dòng trạng thái trên các trang mạng xã hội bày tỏ sự không hài lòng, không thích thú với hình ảnh các em bé nhảy nhót, thậm chí nhiều em còn chưa đủ tuổi học lớp 1 đã phải đứng nhảy nhót xin tiền khách du lịch.

Hình ảnh các em nhỏ mặc trang phục dân tộc nhảy nhót để xin tiền khách du lịch gây phản cảm.
"Động tác nhảy của các bé phản cảm quá. Mọi người không nên hò reo cổ vũ", tài khoản M.K bình luận.
"Thật không hiểu phụ huynh nghĩ gì khi để con nhảy trên nền nhạc xập xình của người lớn như vậy. Các bé mặc trang phục dân tộc mình, sao không nhảy điệu múa truyền thống. Chúng tôi tới Sa Pa với mong muốn thưởng thức văn hóa bản địa chứ không phải những bản nhạc du nhập", tài khoản Ngọc Hà viết.
"Nhiều năm qua, trẻ em Sa Pa hết bán hàng rong, xin tiền giờ lại nhảy xin tiền. Thời tiết lạnh giá như thế, chắc chắn không bé nào muốn ra đường kiếm tiền mà do bố mẹ thôi", tài khoản Kiên nhận định.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, Lào Cai xác nhận, tình trạng trên có xảy ra vào dịp tết Nguyên đán 2025. Tình trạng này đã diễn ra khoảng 2 năm nay, đặc biệt phổ biến vào các dịp lễ, Tết.
"Thời gian qua, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo UBND phường Sa Pa triển khai phương án giải quyết triệt để tình trạng trẻ em bán hàng, xin tiền và nhảy múa phản cảm xin tiền du khách. Tuy nhiên, những dịp cao điểm du lịch như tết Nguyên đán, lực lượng chức năng quá mỏng, không thể kiểm soát hết các trường hợp. Nhiều bố mẹ vẫn đưa con vào khu trung tâm để nhảy xin tiền. Họ sử dụng loại loa xách tay nhỏ gọn. Khi phát hiện lực lượng chức năng sẽ lập tức bỏ chạy. Lực lượng rời đi, các bé lại ra nhảy múa", ông Tân cho hay.
Khi nhận được phản ánh của du khách, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo phường Sa Pa vào cuộc kiểm tra, rà soát và xử lý các trường hợp vi phạm. Sau dịp tết Nguyên đán, tình trạng này đã cơ bản chấm dứt. UBND thị xã Sa Pa có phương án tuyên truyền, xử lý tình trạng trẻ em bán rong hay biểu diễn xin tiền ở khu du lịch với nhiều hình thức.
Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa túc trực tại các vị trí đông khách du lịch để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các đối tượng bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám du khách, đồng thời khuyến cáo du khách không mua hàng rong, cho tiền trẻ em, người ăn xin, vận động du khách không cổ súy các hoạt động biểu diễn, nhảy múa phản cảm, không phù hợp với văn hóa truyền thống của địa phương.

"Động tác nhảy của các bé phản cảm quá. Mọi người không nên hò reo cổ vũ", tài khoản M.K bình luận về hình ảnh này.
"Trong những năm qua, UBND thị xã Sa Pa đã yêu cầu các xã rà soát các trường hợp người bán hàng rong trên địa bàn. Những người bán các mặt hàng thủ công tự sản xuất sẽ được bố trí khu vực bán hàng phù hợp, không bán rong. Với những người có hành vi bán hàng rong xin tiền thì vận động, tuyên truyền, đồng thời tạo điều kiện cho học nghề, có công ăn việc làm ổn định ở các homestay, nhà hàng, khách sạn...", ông Tân cho biết.
Trước đó, chính quyền đã vận động được khoảng 100 phụ nữ, trẻ em và người già dân tộc thiểu số tới bản Cát Cát để tham gia biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tại các bản du lịch khác, trẻ em cũng được tham gia hoạt động biểu diễn phù hợp. Cách làm này giúp hạn chế tình trạng bán hàng rong, biểu diễn trái phép xin tiền, đồng thời giúp các em có thêm thu nhập.
Theo lãnh đạo thị xã Sa Pa, dù có nhiều biện pháp nhưng trường hợp trẻ em tham gia hoạt động biểu diễn, bán hàng kiếm tiền vẫn chưa thể xử lý triệt để 100%, bởi cần phải tiến hành từng bước, dựa trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về quyền trẻ em.
Năm 2023, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L.T.M. số tiền 22 triệu đồng do thường xuyên ép con đẻ đi bán hàng rong kiếm tiền.
"Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng trẻ em bán hàng rong, nhảy múa xin tiền, chúng tôi mong muốn được du khách đồng lòng ủng hộ, không cho tiền, không cổ xúy các bé", ông Tân nói.