Trẩy hội đầu xuân

Mùa xuân với nhiều lễ hội trải dài từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch đã đưa 'miền di sản xứ Thanh' trở thành điểm du xuân, trẩy hội thu hút đông đảo Nhân dân và du khách. Về với lễ hội đầu xuân, Nhân dân và du khách không chỉ hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, con người nơi đây, mà còn được trở về cội nguồn, cộng cảm trong không gian văn hóa - lịch sử của xứ Thanh.

Nhân dân và du khách tham quan, chiêm bái tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt (Thường Xuân).

Nhân dân và du khách tham quan, chiêm bái tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt (Thường Xuân).

Xứ Thanh có hàng trăm lễ hội đặc sắc diễn ra vào mùa xuân hấp dẫn người dân và du khách. Nổi bật trong đó phải kể đến lễ hội đền Cửa Đặt (Thường Xuân) gắn với khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt. Như thành thông lệ, từ giao thừa trở đi, khu di tích lịch sử văn hóa này đón đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Nơi đây thờ Cầm Bá Thước - vị thủ lĩnh xuất sắc của đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh trong phong trào Cần Vương và Bà chúa Thượng Ngàn - vị thần Mẫu trong tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu của người Việt. Hòa mình vào không khí linh thiêng của lễ hội đền Cửa Đặt, Nhân dân và du khách được tỏ lòng thành kính với những vị thần, bậc tiền nhân, thể hiện ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa, muôn sự bình an, may mắn; được trở về với cội nguồn lịch sử và hơn thế là được trải lòng mình vào không gian cảnh quan sông núi hữu tình và đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Mùa xuân nào cũng về trẩy hội đền Cửa Đặt, chị Cao Thu Huyền (TP Thanh Hóa) cho biết: “Trẩy hội đầu xuân là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Nét văn hóa này được gia đình tôi gìn giữ và phát huy hằng năm. Hơn 20 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng du xuân, vãn cảnh tại các di tích, lễ hội độc đáo trên địa bàn tỉnh. Năm nay, thời tiết những ngày đầu xuân khá lý tưởng nên gia đình tôi đã chọn khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đặt là điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân “lên rừng xuống biển". Các thành viên trong gia đình đều đi với tâm thế vui tươi, hân hoan, cầu mong một năm nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió”.

Hòa cùng dòng người trẩy hội, vào ngày 14 tháng Giêng, tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Yên Dương, Hà Trung), đông đảo Nhân dân và du khách đã tham gia lễ hội Đền thờ Trần Hưng Đạo Xuân Ất Tỵ 2025. Lễ hội Đền thờ Trần Hưng đạo là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước; cầu mong một năm thành công, may mắn, thịnh vượng. Lễ hội được tổ chức với các nghi thức truyền thống như tế nam quan, dâng hương, rước ấn, khai ấn. Xung quanh lễ hội, ngoài các hoạt động tâm linh còn diễn ra các hoạt động văn hóa sôi nổi.

Là người năm nào cũng dự lễ hội Đền thờ Trần Hưng Đạo, anh Trần Anh Tuấn (Hà Trung) chia sẻ: “Lễ hội Đền thờ Trần Hưng Đạo là một lễ hội lớn của địa phương. Đây không chỉ là dịp để hậu thế tỏ lòng thành kính với bậc tiền nhân, mà còn là dịp để người dân địa phương gặp gỡ, giao lưu, tăng sự gắn kết trong cộng đồng dân cư. Do đó, vào những ngày diễn ra lễ hội Đền thờ Trần Hưng Đạo tôi luôn dành thời gian tham gia. Và, tôi cũng không quên xin ấn cho bản thân, cầu mong một năm hanh thông, thuận lợi”.

Ngoài các lễ hội gắn với các di tích, đầu xuân cũng là dịp các địa phương nô nức hội làng. Các lễ hội làng mang đậm nét văn hóa làng xã của người dân Việt. Đây được xem là ngày hội của người dân và con em xa quê, là dịp để họ tưởng nhớ công đức của các vị thành hoàng làng cùng các bậc tiền nhân, gửi gắm những cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi sự hanh thông. Nhiều lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia như lễ hội làng Đông Cao (Nông Cống); lễ hội kỳ phúc đình Phú Khê, lễ hội kỳ phúc làng Quỳ Chử (Hoằng Hóa); lễ hội cầu phúc đình làng Hồ (Thường Xuân)...

Trải dài khắp mảnh đất xứ Thanh, từ đồng bằng xuống miền biển, lên miền núi đâu đâu cũng có những lễ hội truyền thống được người dân gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Theo sự phát triển của xã hội hiện đại, không ít lễ hội đã phát triển cả quy mô và hình thức, vươn xa khỏi không gian truyền thống, đến với nhiều vùng văn hóa khác, khẳng định được giá trị, tầm vóc trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu như lễ hội Đền Bà Triệu (Hậu Lộc), lễ hội Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc), lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Nàng Han (Thường Xuân)...

Lễ hội vốn luôn gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn, thể hiện văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi vùng miền. Hoạt động trẩy hội đầu xuân không chỉ thể hiện tâm tư hướng về nguồn cội, giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn đáp ứng nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Để những giá trị này chỉ được gìn giữ trọn vẹn và phát triển lâu bền trong đời sống thì các địa phương cần tích cực quản lý, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán; huy động cộng đồng cùng chung tay, chung sức xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh trong lễ hội.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tray-hoi-dau-xuan-35612.htm
Zalo