Trao quyền tự chủ cho các ngân hàng
'Room' tín dụng là hạn mức tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng thương mại cấp tín dụng ra nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định.
Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được NHNN duy trì suốt chục năm qua, là công cụ để NHNN kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.
Nhưng khi ngành ngân hàng dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, việc duy trì cấp "room" không còn phù hợp. Từ 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức hai chữ số, "room" tín dụng trở thành một trong những công cụ hiệu quả để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chất lượng cho vay. Tuy nhiên công cụ này đang phát sinh nhiều bất cập.
Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng dư tiền vẫn không thể cho vay, còn người vay thì cũng không thể tiếp cận tín dụng do ngân hàng hết “quota”. Chính vì thế việc dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế.
Năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 15,08% so với cuối năm 2023. Khoảng 2,2 triệu tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế. Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% (tương đương thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế). Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP lên đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%, tức năm nay ngành ngân hàng sẽ phải đưa thêm ra nền kinh tế 2,8 - 3,1 triệu tỷ đồng.
Khi room tín dụng được dỡ bỏ, các ngân hàng sẽ có thể linh hoạt hơn trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng và tiếp cận nhanh chóng hơn với các cơ hội kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh và nhu cầu vốn của các DN không ngừng gia tăng. Nhưng cần đi đôi với các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả để tránh những hệ lụy tiêu cực như trong quá khứ.
Trước đây, khi chưa phân bổ các chỉ tiêu, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có lúc lên đến 30 - 40%. Nhưng hiện nay, hệ thống ngân hàng đều đã tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn rủi ro. Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ kiểm soát chung mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, tạo chủ động cho các ngân hàng thương mại.
Cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để ngăn tín dụng tăng trưởng nóng. Trong đó, lãi suất điều hành là một công cụ của NHNN giúp điều tiết hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất. Việc tăng, giảm lãi suất điều hành sẽ do NHNN điều chỉnh và lựa chọn với các tỷ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô. Các nước đang sử dụng công cụ hữu hiệu là kiểm soát tín dụng và chính sách tiền tệ bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng/tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE)…, và quan trọng nhất là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).
Khi nền kinh tế dần phục hồi và nhu cầu tín dụng tăng cao, room tín dụng bắt đầu trở thành rào cản cho sự phát triển của các ngân hàng. Như vậy, việc bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Song điều này cũng cần đi đôi với các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả để tránh những hệ lụy tiêu cực như trong quá khứ. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình hợp lý để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính.