Trao bằng 'Tổ quốc ghi công' cho 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng

Chiều 28/4, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức lễ trao bằng 'Tổ quốc ghi công' cho 5 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Trao bằng Tổ quốc ghi công 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Trao bằng Tổ quốc ghi công 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Nội vụ, Bộ Tư lệnh Thành phố, Thành Đoàn, cùng các cán bộ Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, Ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu dâng hương, dâng hoa, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Nơi diễn ra buổi lễ trao bằng "Tổ quốc ghi công" 5 liệt sĩ Tiểu đoàn Lê Thị Riêng.

Nơi diễn ra buổi lễ trao bằng "Tổ quốc ghi công" 5 liệt sĩ Tiểu đoàn Lê Thị Riêng.

Tại buổi lễ, đồng chí Phan Kiều Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, công bố Quyết định số 437/QĐ-TTg, ngày 26/2/2025, của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 5 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, lực lượng vũ trang trực thuộc Ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định, (tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Năm liệt sĩ được truy tặng gồm các đồng chí: Lê Thị Hai, Lê Văn Tư, Lê Thị Sáu, Lê Văn Bo, Lý Giao Duyên, những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tại dòng Kênh Tẻ trong đợt hai của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 Quang cảnh buổi lễ.

Quang cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, phần lớn cán bộ, chiến sĩ từ các miền quê bị bom đạn tàn phá, nhiều người phải thay tên đổi họ hoặc sử dụng biệt danh khi hoạt động bí mật tại nội đô.

Đặc thù của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng là bám trụ trong lòng địch, nên khi bổ sung lực lượng, chỉ biết tên gọi bí danh mà không nắm rõ thân thế, quê quán.

Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã chiến đấu kiên cường trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại mặt trận liên quận 2 - 4. Trong trận chiến này, 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng, bị thương mất một cánh tay và bị địch bắt giam tại Côn Đảo, đến năm 1973 mới được trao trả.

Ngày 20/7/2012, Nhà nước đã cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho 8 liệt sĩ. Năm chiến sĩ còn lại, do không có đầy đủ thông tin cá nhân, nên đến nay mới được công nhận.

Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã đề xuất lấy họ của đồng chí Lê Thị Riêng làm họ chung cho 5 đồng chí đã hy sinh để suy tôn và tri ân.

 Trao bằng Tổ quốc ghi công 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Trao bằng Tổ quốc ghi công 5 liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu, thực hiện tốt hơn nữa chính sách chăm lo người có công và thân nhân; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, bảo đảm đời sống người có công đạt mức trung bình khá trở lên so với mặt bằng chung nơi cư trú.

Năm liệt sĩ được vinh danh lần này không để lại tên thật, chỉ có những biệt danh thân thương đồng đội đặt cho, như một cách giữ gìn ký ức thiêng liêng về sự hy sinh cao cả. Sau hơn nửa thế kỷ, sự hy sinh thầm lặng ấy đã được chính thức ghi nhận.

Do 5 liệt sĩ không còn thân nhân, đại diện Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã thay mặt gia đình nhận bằng "Tổ quốc ghi công". Bằng sẽ được đặt trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 2/4/2025, Báo Nhân Dân đã đăng bài “Họ vẫn bất tử cùng Tổ quốc”, phản ánh hành trình kiên trì của đồng đội và các cơ quan, tổ chức trong việc xác lập danh phận, công nhận liệt sĩ đối với 5 chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Dù không có giấy tờ tùy thân hay hồ sơ cá nhân, sau hơn 50 năm, những chiến sĩ anh dũng ấy đã chính thức được Tổ quốc và nhân dân ghi công, khẳng định truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Anh Thơ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trao-bang-to-quoc-ghi-cong-cho-5-liet-si-tieu-doan-nu-biet-dong-le-thi-rieng-post876109.html
Zalo