Tranh thủ viện trợ quốc tế, tập trung xây dựng Quân đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, chủ trương phù hợp với tình hình thực tế, từng bước giải quyết khó khăn, thách thức, đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi với mốc son lịch sử: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Một trong những thành công nổi bật đó là chúng ta đã tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của quốc tế để xây dựng thực lực cách mạng, trong đó, củng cố và nâng cao sức mạnh chiến đấu của QĐND Việt Nam.
Trước đó, để chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ động thiết lập mối quan hệ, hợp tác với lực lượng Đồng minh. Tháng 3/1945, Trung úy phi công Mỹ William Shaw bị rơi máy bay, được Việt Minh cứu giúp. Sau đó, Việt Nam và Mỹ đã thỏa thuận phối hợp đánh quân Nhật. Đã có 13 chuyến bay của Mỹ hạ cánh xuống sân bay dã chiến tại Lũng Cò (Sơn Dương, Tuyên Quang) chở theo vũ khí, trang bị, lương thực, thuốc men cho lực lượng vũ trang của Việt Minh. Phía Mỹ đã phái Đội Con Nai (Deer Team) thuộc Cơ quan Dịch vụ chiến lược (OSS) của tình báo Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào để tham gia huấn luyện quân sự cho các đơn vị Việt Minh.
Những năm 1946-1947, cách mạng Việt Nam còn trong vòng vây của quân thù, chính quyền Thái Lan khi đó gây khó khăn cho việc vận chuyển vũ khí mua từ phương Tây về Việt Bắc, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhờ Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ mua khoảng 12 triệu đồng trang thiết bị quân sự và chở về Việt Bắc, trước khi Pháp mở cuộc tiến công.
Ngày 14/1/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Sau đó 4 ngày, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 30/1/1950, Liên Xô công nhận và đặt quan hệ với Việt Nam. Sau chuyến thăm bí mật Bắc Kinh, Moscow gặp gỡ các nhà lãnh đạo hai nước bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1950, Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu viện trợ quân sự cho Việt Nam.
Đầu năm 1950, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam số lượng pháo cao xạ 37mm đủ trang bị cho một trung đoàn, một số xe vận tải và thuốc quân y. Phục vụ cho Chiến dịch Biên Giới, từ tháng 4 đến tháng 9/1950, Trung Quốc đã chuyển cho Việt Nam 14.000 súng trường và súng lục, 1.700 súng máy và tiểu liên, 150 súng cối, 60 khẩu pháo, 300 súng bazooka, 2.800 tấn ngũ cốc, một số lượng lớn thuốc chữa bệnh, đạn dược, quân phục và thiết bị thông tin liên lạc.
Đến cuối năm 1950, Việt Nam nhận được 3.983 tấn hàng viện trợ quốc tế, trong đó có 1.020 tấn súng đạn, 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 30 xe vận tải và 2.634 tấn gạo. Trung Quốc cử một đoàn gồm 79 cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam kháng chiến, huấn luyện, trang bị cho Đại đoàn 308 (không đầy đủ), Trung đoàn 174, Trung đoàn pháo binh hạng nặng 41, Trung đoàn pháo cao xạ 367, 2 tiểu đoàn công binh... Sự giúp đỡ đó đã tạo điều kiện nâng cao khả năng chiến đấu và cơ động của bộ đội Việt Nam.
Năm 1951, Chính phủ Trung Quốc quyết định mở Khu học xá ở Nam Ninh và Trường Thiếu sinh quân ở Lư Sơn. Tính đến tháng 6/1950, có 3.100 cán bộ Việt Nam sang Trung Quốc học tập, bổ túc trung và sơ cấp, chỉ huy bộ binh sơ cấp, pháo binh, công binh.
Từ tháng 5/1950 đến tháng 6/1954, Việt Nam nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế, trong đó có 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, 12 dàn hỏa tiễn H6 (Kachiusa), 685 chiếc ô tô vận tải, tiểu liên K50 và thuốc ký ninh chống sốt rét của Liên Xô.
Kể từ năm 1950, lượng hàng viện trợ của quốc tế chiếm khoảng 1/5 số vật chất mà quân và dân ta sử dụng hằng năm. Đặt trong bối cảnh tình hình khó khăn của Việt Nam khi đó, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu này hết sức có ý nghĩa. Sự giúp đỡ về quân sự đã giúp Việt Nam từng bước xây dựng được lực lượng chủ lực cơ động mạnh trên chiến trường. Đến năm 1952, ta đã có 6 đại đoàn chủ lực bộ binh và 1 đại đoàn công - pháo cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực của liên khu. Đây là lực lượng nòng cốt để ta liên tiếp giành chiến thắng trong các chiến dịch: Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952).
Để đối trọng với sự gia tăng viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc cho Việt Nam, Mỹ đã phải tăng cường chi phí cho quân đội Pháp, chiếm tới 80% chi phí quân sự của Pháp ở Đông Dương. Dù đã chi gần 3.000 tỷ Franc, tương đương 7 tỷ USD (trung bình 1 tỷ Franc/ngày), Chính phủ Pháp thay đổi 20 lần (trung bình mỗi chính phủ tồn tại 7 tháng, có chính phủ chỉ tồn tại trong 7 ngày), 7 lần Cao ủy Pháp bị triệu hồi, thay thế 8 Tổng chỉ huy quân đội Pháp kế tiếp nhau, cuối cùng, chỉ không đầy một ngày trước khi Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc, “con nhím thép” Điện Biên Phủ đã bị thất thủ.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, Quân đội ta đã tiếp nhận, khai thác, sử dụng hiệu quả sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế nói chung, của Liên Xô, Trung Quốc nói riêng để xây dựng lực lượng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn chiến tranh ở Việt Nam, sử dụng nhuần nhuyễn phương thức chiến tranh “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, phát huy cao độ thế trận chiến tranh nhân dân. Với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, quân và dân ta luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Kinh nghiệm về việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dựa vào sức mình và tranh thủ viện trợ quốc tế để xây dựng lực lượng đã được Đảng ta vận dụng thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.