Mặc dù Tết Thanh minh năm nay bắt đầu từ Thứ Năm (ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 26/2 âm lịch) kéo dài đến hết ngày 20 - 21/4 dương lịch (tức ngày 13/3 âm lịch, thời điểm bắt đầu tiết Cốc vũ) nhưng phần lớn, các gia đình tại Việt Nam thực hành lễ Thanh minh vào những ngày cận kề 3/3 âm lịch (ngày 11/4 dương lịch).
Ngày 7/4, ghi nhận của phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), vì ngày 3/3 âm lịch rơi vào ngày làm việc trong tuần nên rất nhiều gia đình đã tranh thủ ngày cuối tuần thực hành lễ Thanh minh tại nghĩa trang - nơi có mộ phần người thân quá cố.
Chùm ảnh ghi nhận của phóng viên:
Ghi nhận của phóng viên vào ngày 7/4 (Chủ Nhật), rất nhiều gia đình "tay xách, nách mang" lễ vật đến mộ phần người thân ở nghĩa trang để làm lễ Thanh minh.
Gia đình bà Nguyễn Thị Huyên (76 tuổi, ở đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tranh thủ ngày cuối tuần, sắm sửa lễ vật, đến nghĩa trang để dọn dẹp và thực hành lễ Thanh minh.
Bà Nguyễn Thị Huyên là cán bộ về hưu đã được 24 năm. Từng ấy thời gian bà là thỉnh giảng môn bệnh học trẻ em và xử trí các tai nạn ở trường mầm non, tại trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) và 2 trường cao đẳng khác trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Huyên cho biết, gia đình và có mộ phần người cha thân sinh yên nghỉ tại nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì, Hà Nội) và mộ phần của người chồng quá cố đặt tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình). Do công việc giảng dạy quá bận rộn nên Tết Thanh minh năm nay, bà Huyên và các con đã lên kế hoạch, sắp xếp công việc giảng dạy từ 2 tuần trước đó để có thời gian thực hành trọn vẹn lễ Thanh Minh tại nghĩa trang.
“Người chồng quá cố của tôi yên nghỉ tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên tròn 11 năm. Từng ấy thời gian, mỗi năm tôi và các con đều tạm gác mọi công việc giảng dạy để di chuyển gần 100km từ Hà Nội lên Hòa Bình để làm lễ Thanh minh tại mộ”, bà Huyên cho hay.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Nguyên (SN 1938, ở Đống Đa, Hà Nội) cũng "tay xách, nách mang" lễ vật đến mộ phần người thân để làm lễ Thanh minh.
Mặc dù vừa bước sang tuổi 87, sức khỏe yếu hơn rất nhiều so với nhiều năm trước nhưng để thực hành lễ Thanh minh tại mộ phần người vợ quá cố tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), ông Nguyên cùng các con, cháu chuẩn bị rời khỏi nhà từ sáng sớm.
Bà Đào Thanh Huyền (52 tuổi – con dâu ông Nguyên) cho biết, vì ông đã lớn tuổi, sức khỏe đã yếu và phải ngồi xe lăn nhưng thanh minh năm nào ông cũng lên thăm mộ bà đôi lần.
Bà Huyền cho biết: “Nếu mệt quá, không thể đi lại, di chuyển được thì mỗi lần thực hành lễ ở nghĩa trang, chúng tôi đều phải quay lại video cho ông xem để ông yên tâm”.
Bà Đào Thanh Huyền cho biết, mỗi năm, bà và gia đình phải “chạy” từ Hà Nội đến Hòa Bình từ 6-7 lần. Sở dĩ bà Huyền phải đi lại nhiều lần là bởi mộ phần mẹ chồng và mẹ đẻ đều đặt tại Hòa Bình.
Tết Thanh minh năm nayvợ chồng bà Huyền di chuyển gần 100km từ Hà Nội đến Hòa Bình để làm lễ Thanh minh cho 2 phần mộ đặt tại đây.
Người lao động có thể sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục dịp lễ 30.4 - 1.5
Khánh Dương