Tránh phát sinh nhiều khoản thu khác sau khi miễn học phí

Chiều 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Chủ tọa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội điều hành phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Đỗ Trung

Chủ tọa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội điều hành phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Đỗ Trung

Bảo đảm nguồn lực, hạ tầng để thực hiện hiệu quả chính sách

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cùng chung nhận định, các chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, bảo đảm tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, các chính sách được ban hành không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Đỗ Trung

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Đỗ Trung

Phát biểu góp ý trao đổi thêm để thuận lợi và khả thi hơn khi triển khai chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đồng thuận với việc bố trí từ ngân sách nhà nước thực hiện chính sách miễn học phí. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, hay trục lợi chính sách.

“Việc HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là cần thiết, nhưng cần có khung hướng dẫn thống nhất từ trung ương để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, nhất là những tỉnh còn khó khăn về ngân sách”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Liên quan đến việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đề nghị rà soát cụ thể liên quan đến nguồn kinh phí dự kiến chi cho chính sách này. “Bên cạnh đó, liên quan đến thực hiện sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện sẽ có nhiều nguồn lực về cơ sở hạ tầng, trụ sở dôi dư. Với cơ sở hạ tầng này, cần ưu tiên sử dụng cho lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa... Như vậy, cũng có thể đáp ứng 1 phần về cơ sở hạ tầng”, đại biểu nói.

Tránh “lạm thu” khoản ngoài học phí

Bên cạnh khả năng thực thi chính sách, nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến các nội dung khác về giáo dục đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ. Ảnh: Đỗ Trung

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ. Ảnh: Đỗ Trung

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến trẻ em mẫu giáo chưa được đến lớp, chủ yếu là trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, con công nhân, con lao động tự do.

“Trong dự thảo nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi, tôi đề nghị quan tâm đến nhóm các cháu dưới 3 tuổi vì nhóm này cũng rất cần được chăm sóc nhưng tôi chưa thấy được đề cập”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Còn đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cùng quan điểm cho rằng cần chú trọng kiểm soát các khoản thu khác ngoài học phí khi áp dụng miễn học phí.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương, tránh việc lợi dụng lạm thu các khoản thu khác kể cả trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Như vậy mới bảo đảm học sinh được hưởng chính sách thực chất, chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Đỗ Trung

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Đỗ Trung

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần song hành chính sách miễn học phí với cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục.

“Không chỉ miễn phí, người dân kỳ vọng trường lớp phải tốt hơn, thầy cô yên tâm giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp với năng lực học sinh. Đồng thời, cần rà soát việc phân bổ ngân sách theo vùng, tránh tình trạng cào bằng gây áp lực quá tải lên ngân sách cấp tỉnh, cấp xã/phường”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Đại biểu cũng đề nghị Hà Nội - là Thủ đô, nơi có điều kiện thuận lợi hơn các địa phương cần đi đầu trong việc tổ chức triển khai thí điểm hiệu quả chính sách này. Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng thành phố có thể chủ động xây dựng các mô hình quản lý học phí minh bạch, số hóa hồ sơ chi trả, cũng như tăng cường xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ các cơ sở giáo dục. “Việc này không chỉ góp phần hiện thực hóa chủ trương lớn, mà còn tạo hình mẫu cho các tỉnh, thành khác học tập”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quan tâm đến quy định hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn lực ngân sách...

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tranh-phat-sinh-nhieu-khoan-thu-khac-sau-khi-mien-hoc-phi-703163.html
Zalo