Học sinh sắp được học buổi 2 hoàn toàn miễn phí

Ngành giáo dục đang chuẩn bị phương án tổ chức buổi học thứ hai trong ngày, với tinh thần không thu học phí hay chi phí nào từ phía người học.

Chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã thảo luận tại tổ về hai dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông và Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi.

Với tinh thần nhân văn, hai dự thảo được đánh giá là những chính sách trọng điểm giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đảm bảo công bằng trong giáo dục và hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số bền vững.

Liên quan đến nội dung dự thảo nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí, các đại biểu cho rằng cần cụ thể hơn trong việc áp dụng cho từng loại hình giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Cần làm rõ và chi tiết hóa các cơ sở giáo dục. Thực tế hiện nay tồn tại một số loại hình công lập chất lượng cao, năng khiếu, trường thực hành, thực nghiệm, tư thục. Thực hiện chính sách miễn học phí như thế nào, trong nghị quyết cũng chưa thể hiện rõ việc thực hiện miễn học phí với các loại hình trên”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Việc hỗ trợ học sinh học tại các trường ngoài công lập, trong nghị quyết đã quy định rõ: Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành xác định mức học phí và sẽ hỗ trợ học sinh học tại trường ngoài công lập với mức tương đương hỗ trợ trường công. Nếu cao hơn, phần chênh lệch sẽ do phụ huynh hoặc người giám hộ chi trả. Hình thức hỗ trợ cũng đã được trao đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với trường công, nhà nước cấp trực tiếp cho trường theo số lượng học sinh. Còn với cơ sở ngoài công lập, nhà nước không nộp học phí thay, mà hỗ trợ một phần, phần còn lại phụ huynh trả theo thỏa thuận. Nhà nước sẽ cấp phần hỗ trợ trực tiếp cho người học, đây là hình thức phù hợp, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay”.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, để chính sách miễn học phí thực sự phát huy hiệu quả, cần kiểm soát các khoản phí ngoài học phí trong nhà trường, tránh để chính sách nhân văn bị vô hiệu hóa trên thực tế.

“Tại các trường hiện nay các loại phí vẫn nhiều lắm. Đã miễn học phí thì cũng cần tính toán, giảm các loại phí trong nhà trường mới đúng thể hiện sự ưu việt của giáo dục”, Đại biểu Trương Xuân Cừ đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong 3 đối tượng mà trong nhà trường tổ chức dạy thêm cho học sinh gồm: các em học tập còn yếu cần phụ đạo, học sinh được bồi dưỡng để thi học sinh giỏi, học sinh ôn thi tốt nghiệp, Thông tư 29 đã nêu rõ: không thu học phí đối với 3 đối tượng này. Nhà trường phải tổ chức việc này, đây là trách nhiệm của nhà trường. Việc xem xét hỗ trợ cho nhà trường và giáo viên là tùy điều kiện của địa phương, nhưng về nguyên tắc, không được thu tiền”.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, để giải quyết thực trạng phụ huynh phải cho con học thêm tại các trung tâm với học phí cao do không còn tổ chức dạy thêm trong nhà trường, ngành Giáo dục đang chuẩn bị phương án tổ chức buổi học thứ hai trong ngày, với tinh thần không thu học phí hay chi phí nào từ phía người học.

“Trong Thông báo Kết luận của Tổng Bí thư gửi ngành Giáo dục - Văn bản số 177 cũng có chỉ đạo rất rõ: lên phương án tổ chức buổi học thứ hai trong ngày cho học sinh trong nhà trường. Bộ Giáo dục sẽ chuẩn bị phương án tổ chức buổi học thứ hai với tinh thần không được thu học phí hay chi phí nào từ phía người học. Chủ trương này Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai để bắt đầu từ năm học mới này", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm.

Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu bày tỏ sự ủng hộ với Dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, xem đây là bước đi chiến lược, phù hợp Nghị quyết 42.

Trần Nam

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hoc-sinh-sap-duoc-hoc-buoi-2-hoan-toan-mien-phi-333634.htm
Zalo