Tranh luận xung quanh việc Vietcombank chia cổ tức gần 50%

Vietcombank, ngân hàng thuộc nhóm big4 - bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất cả nước, vừa lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 49,5%.

Khi đầu tư cổ phiếu, bên cạnh mong chờ cổ phiếu tăng giá, bán kiếm lãi, thì nhận cổ tức cũng là mong muốn chung của nhiều người. Thực tế rất nhiều cá nhân, tổ chức chỉ nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn.

Mới đây, Vietcombank cho biết ngân hàng này sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 49,5%. Đây là tỷ lệ cổ tức hiếm có trên thị trường chứng khoán nói chung, ngành ngân hàng nói riêng. Chỉ là, cổ tức được chia là bằng cổ phiếu, không phải là tiền mặt.

Vậy, cổ tức bằng cổ phiếu khác gì với cổ tức bằng tiền mặt?

Có nghĩa, nhà đầu tư sẽ nhận cổ phiếu về thay cho tiền mặt. Số lượng cổ phiếu sẽ tự động tăng lên theo đúng tỷ lệ, còn lại không có gì khác biệt.

Sẽ có những lầm tưởng thường thấy khi nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu:

Thứ nhất, lầm tưởng rằng tài sản được tăng lên. Thực ra là tài sản không tăng, chỉ là cổ phiếu sẽ bị chia nhỏ ra. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là phép hạch toán kế toán của doanh nghiệp.

Thứ hai, lầm tưởng về lợi ích thuế. Một số nhà đầu tư cho rằng nhận cổ tức bằng cổ phiếu thì không phải đóng thuế. Nhưng thực tế đó chính xác là sự trì hoãn đóng thuế. Khi bán cổ phiếu đi, vẫn phải đóng thuế trên số lãi kiếm được, không khác biệt nhiều so với thuế khi nhận cổ tức bằng tiền, chỉ là sớm hay muộn.

Thứ ba, hiểu lầm về việc pha loãng cổ phiếu. Cổ tức bằng cổ phiếu không khiến cổ phiếu bị pha loãng, nếu pha loãng được hiểu theo hướng là tỷ lệ sở hữu của cổ đông tại doanh nghiệp. Vì chia cổ tức theo tỷ lệ cho tất cả các cổ đông, nên tỷ lệ sở hữu của mỗi cổ đông được giữ nguyên. Tuy nhiên, đây là việc “in” thêm cổ phiếu, nên thông thường giá của mỗi cổ phiếu sẽ giảm sút theo tỷ lệ tương ứng. Bởi giá trị lượng cổ phiếu mỗi cổ đông sở hữu không thay đổi, nhưng số lượng cổ phiếu thì tăng lên.

Với một ngân hàng, đủ điều kiện chia cổ tức cho cổ đông, dù là bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu, đã là một dấu hiệu tốt. Ngân hàng đó phải có lợi nhuận tích lũy, ngoài ra còn một số tiêu chí do ngân hàng nhà nước quy định. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì trả tiền mặt, có thể khiến cổ đông "mất lòng" theo cách nào đó, nhưng về kỹ thuật thì khiến quy mô vốn điều lệ ngân hàng được tăng lên, đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngân hàng.

Vốn điều lệ cao giúp các chỉ số về an toàn tài chính của ngân hàng trở nên vững vàng. Vốn điều lệ cao cũng giúp một ngân hàng trở nên vững chãi hơn và được ưu tiên trong một số hoạt động tín dụng.

Do đó, về lâu dài, nếu ngân hàng hoạt động tốt và có thể mang lại lợi nhuận tốt từ việc giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu, thì tổng tài sản của ngân hàng sẽ tăng lên. Cổ phiếu ngân hàng nhờ đó có thể được hồi phục dần sau khi bị sụt giảm do chia cổ tức.

Một lợi ích nữa của cổ đông, đặc biệt là cổ đông của Vietcombank, khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu: Nhờ việc cổ phiếu được chia nhỏ, có giá rẻ hơn, nên thanh khoản cổ phiếu ngân hàng sẽ tốt hơn, dễ mua dễ bán hơn. Cổ phiếu Vietcombank hiện có giá hơn 90.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi cổ đông nhận thêm cổ tức, có thêm cổ phiếu, giá sẽ giảm đi, nhưng họ có nhiều phương án để hiện thực hóa lợi nhuận hơn.

Cơ cấu sở hữu của Vietcombank đang rất cô đặc với gần 75% thuộc Ngân hàng Nhà nước, 15% thuộc ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, chỉ hơn 10% còn lại là thuộc các nhà đầu tư, cá nhân và tổ chức nhỏ lẻ. Tính thanh khoản, vì vậy vô cùng quan trọng.

Đỗ Quang Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tranh-luan-xung-quanh-viec-vietcombank-chia-co-tuc-gan-50-296722.htm
Zalo