Tăng vốn 'nhảy vọt', một ngân hàng dẫn đầu vốn điều lệ toàn ngành

Vietcombank dự kiến phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ 49,5% cho cổ đông hiện hữu ngay trong năm 2025. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên gần 83.557 tỷ đồng, tương ứng mức nhảy vọt 27.666 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử các lần tăng vốn của nhà băng này.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố nghị quyết của hội đồng quản trị về việc phê duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Nhìn lại hành trình tăng vốn

Cụ thể, ngày 14/1, Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietcombank đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-VCB-HĐQT về việc phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Vietcombank sẽ phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ 49,5% cho các cổ đông có tên trong danh sách cổ đông của Vietcombank tại thời điểm chốt quyền. Thời gian thực hiện trong năm 2025. Tổng giá trị dự kiến phát hành là 27.666 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên gần 83.557 tỷ đồng.

Ngoài kế hoạch chia cổ tức, Vietcombank còn cho biết, sẽ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho các nhà đầu tư tổ chức, tương đương 1,3 tỷ USD dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường thuận lợi.

Với vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, ngày 30/11/2024, Vietcombank được Quốc hội chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại, nâng vốn điều lệ lên mức 83.600 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng, khẳng định vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành tài chính ngân hàng.

Vietcombank là ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu 74,8% vốn điều lệ. Dù là ngân hàng dẫn đầu về quy mô về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ suốt nhiều năm qua, tỷ lệ nợ xấu cũng thấp nhất hệ thống nhưng tính đến đầu năm 2024, vốn điều lệ của Vietcombank chỉ đứng thứ 4 toàn hệ thống, xếp sau hai ngân hàng thương mại tư nhân khác.

Dù lợi nhuận chưa phân phối của Vietcombank trên 100.000 tỷ đồng, nhưng việc tăng vốn của "ông lớn" quốc doanh này gặp không ít trắc trở, có nhiều khoảng chững so với ngân hàng tư nhân.

Nguồn: TBTCVN tổng hợp.

Nguồn: TBTCVN tổng hợp.

Tính trong 10 năm trở lại đây, giai đoạn 2015 đến nay, Vietcombank trải qua 5 lần tăng vốn, với mức tăng 3.476 tỷ đồng (năm 2014); 9.328 tỷ đồng (năm 2016), 1.111 tỷ đồng (năm 2019). Tiếp đó, năm 2022 tăng thêm 10.237 tỷ đồng; tăng 8.566 tỷ đồng năm 2023, đưa vốn điều lệ Vietcombank lên 55.891 tỷ đồng như hiện hành.

Gần đây nhất, năm 2023, Vietcombank đã hoàn thành tăng vốn từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%, đưa vốn điều lệ lên gần 55.891 tỷ đồng, tăng 8.566 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, bên cạnh việc trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, Vietcombank đã trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, tăng vốn điều lệ lên mức 47.325 tỷ đồng, tương ứng tăng 10.237 tỷ đồng. Năm 2016, Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên 35.977 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 9.328 tỷ đồng, thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu.

Trong khi đó, với các ngân hàng tư nhân quy mô lớn, bước nhảy tăng vốn điều lệ cao hơn rất nhiều, lên tới 20-30 nghìn tỷ đồng. Điều này phần nào hạn chế năng lực tài chính và khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng quốc doanh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng tư nhân liên tục tăng vốn mạnh mẽ thông qua phát hành cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại.

Giữ vững vị thế “sếu đầu đàn”

Giới phân tích cho rằng, việc tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại không chỉ cải thiện hệ số an toàn, giúp Vietcombank duy trì mức độ an toàn tài chính, đảm bảo khả năng phát triển tín dụng, mà còn duy trì tỷ lệ sở hữu và sự kiểm soát của Nhà nước đối với Vietcombank.

Điều này đặc biệt quan trọng khi ngân hàng quốc doanh này vừa phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị như việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) vừa qua.

Tăng vốn "nhảy vọt", một ngân hàng dẫn đầu vốn điều lệ toàn ngành.

Tăng vốn "nhảy vọt", một ngân hàng dẫn đầu vốn điều lệ toàn ngành.

Hơn nữa, việc tăng vốn điều lệ lần này còn mang ý nghĩa chiến lược giúp ngân hàng Việt tiến thêm một bước quan trọng trong việc lọt top 100 khu vực và thế giới.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, còn một chặng đường dài để ngân hàng Việt Nam tiến vào top ngân hàng khu vực khi tổng tài sản phải lên tới 100 - 300 tỷ USD. Nhẩm tính tổng tài sản ngân hàng 100 tỷ USD cần tối thiểu 8 tỷ USD vốn tự có; quy mô tổng tài sản 200 tỷ USD phải cần 16 tỷ USD. Tại thời điểm này, các ngân hàng lớn nhất của Việt Nam vẫn cách xa mức này.

Về kết quả kinh doanh, tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa được tổ chức, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, đến cuối năm 2024, tổng dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, tăng gần 14%. Tổng tài sản lần đầu vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện cuối năm 2023.

Dẫn đầu toàn ngành nhiều chỉ tiêu

Hiệu quả kinh doanh và chất lượng tài sản tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng. Lợi nhuận hoàn thành kế hoạch đề ra, với lợi nhuận trước thuế đạt trên 41.000 tỷ đồng, cao nhất ngành ngân hàng và hoàn thành kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,97%, tốt hơn mặt bằng chung và trong mức trần kiểm soát của NHNN và Đại hội đồng cổ đông. Thu nợ ngoại bảng tăng 79% so với năm 2023.

Tổng số nộp ngân sách nhà nước năm 2024 đạt gần 12.000 tỷ đồng; tích lũy 5 năm, trên 48.000 tỷ đồng và là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-von-nhay-vot-mot-ngan-hang-dan-dau-von-dieu-le-toan-nganh-168900.html
Zalo