Tranh luận việc Hoa hậu Việt Nam vừa đăng quang đã phẫu thuật thẩm mỹ

Sau khi Hoa hậu Việt Nam 2022 Huỳnh Thị Thanh Thủy thừa nhận đã sửa mũi và vòng một để tự tin, có những ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít người không đồng tình.

Những ngày qua, việc đương kim Hoa hậu Việt Nam Thanh Thủy công khai phẫu thuật thẩm mỹ gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh việc tán đồng với tư tưởng cởi mở, "đụng chạm dao kéo" để đẹp hơn, tự tin hơn, nhiều người cho rằng Hoa hậu Việt Nam nên giữ vẻ đẹp tự nhiên theo đúng tinh thần cuộc thi hàng chục năm nay.

Cởi mở chuyện hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ

Sau hơn 3 tháng đăng quang, tối 28/3, Hoa hậu Việt Nam 2022 Huỳnh Thị Thanh Thủy thừa nhận bản thân có phẫu thuật thẩm mỹ. Cô cho biết đã sửa mũi và vòng một để tự tin, hoàn thiện bản thân hơn.

Người đẹp gốc Đà Nẵng chia sẻ cô cũng suy nghĩ nhiều về chuyện công khai đụng chạm dao kéo. Tuy nhiên, hoa hậu nghĩ việc thừa nhận không có gì xấu nên quyết định chia sẻ với công chúng.

Thông tin này tạo ra tranh cãi đối với cộng đồng fan sắc đẹp. Nhiều người cho rằng Hoa hậu Việt Nam nên giữ nét đẹp tự nhiên, không cần dao kéo. Một số khán giả khác nêu quan điểm nên cởi mở hơn đối với các người đẹp. Bởi thời đại này đã phát triển, không nên rập khuôn hoa hậu phải tuân theo quy chuẩn nét đẹp tự nhiên.

Hoa hậu Thanh Thủy sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Phương Lâm.

Hoa hậu Thanh Thủy sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Phương Lâm.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều cuộc thi hoa hậu đã thoáng hơn, chấp nhận các thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, điển hình như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Miss World Vietnam...

Trên thế giới, từ lâu, nhiều cuộc thi cho phép các người đẹp dao kéo tham gia. Nhiều người đạt thứ hạng cao dù đã qua chỉnh sửa gương mặt và hình thể. Engfa Waraha là trường hợp điển hình từng công khai phẫu thuật thẩm mỹ. Cô tham gia Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2022 và đạt ngôi vị cao nhất. Người đẹp này cũng đại diện Thái Lan tham gia Miss Grand International 2022 và lên ngôi á hậu 1.

Ở các cường quốc hoa hậu như Venezuela hay Philippines, thí sinh cũng thoải mái đụng chạm dao kéo trước hoặc sau khi tham gia cuộc thi sắc đẹp. Các tổ chức quốc tế như Miss Universe, Miss Earth, Miss Grand International, Miss Supranational... đều chấp nhận các thí sinh có can thiệp dao kéo.

Như vậy, quan điểm về vẻ đẹp của các hoa hậu nay đã cởi mở hơn. Nhiều cô gái tự tin công khai phẫu thuật thẩm mỹ, không còn e dè hay giấu giếm việc làm đẹp.

Nhưng tranh luận luôn tồn tại

Cởi mở là điều không thể phủ nhận, nhưng những tranh cãi vẫn tồn tại song song. Các cô gái sau khi lên ngôi một cuộc thi nào đó cũng thường bị "đào" lại ảnh quá khứ và so sánh, bàn tán.

Ví dụ, Engfa Waraha là người đẹp có lượng lớn fan ủng hộ, nhưng khi cô có mặt trong danh sách bình chọn Grand Slam 2022 (Hoa hậu đẹp nhất năm) của Global Beauties, cộng đồng sắc đẹp vẫn tranh luận. Một nhóm ý kiến cho rằng mỹ nhân Thái Lan chưa xứng đáng vì đã chỉnh sửa gương mặt.

 Á hậu Miss Grand, Engfa Waraha, công khai dao kéo khi thi hoa hậu.

Á hậu Miss Grand, Engfa Waraha, công khai dao kéo khi thi hoa hậu.

Trước luồng quan điểm trái chiều về vấn đề này, ông Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh), Trưởng ban tổ chức kiêm Chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến 2008, chia sẻ với Zing ông không đồng tình việc các người đẹp can thiệp dao kéo, bởi đã qua chỉnh sửa thì không còn nét đẹp tự nhiên.

"Theo quy định của một số cuộc thi hoa hậu, thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ là phạm quy, không được tham gia, chẳng hạn như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Sau khi thi xong, họ phẫu thuật thẩm mỹ thì không phạm quy nữa vì không còn là thí sinh. Tuy nhiên, theo tôi, hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ thì không còn hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ nữa. Bởi đó là làm đẹp bằng dao kéo", ông Dương Xuân Nam nói.

Về trường hợp Thanh Thủy chỉnh sửa sắc đẹp sau khi đăng quang, “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam cho rằng không nên. “Hoa hậu nên để vẻ đẹp tự nhiên. Khi là hoa hậu nghĩa là bạn đang biểu trưng cho cái đẹp của phụ nữ Việt Nam, đã thắng cuộc thi rồi sao còn dao kéo. Đụng chạm dao kéo thì người xấu cũng có thể trở thành người đẹp”, ông nói.

Theo ông, các hoa hậu, á hậu có quyền phẫu thuật thẩm mỹ sau khi đăng quang nhưng trong mắt người hâm mộ, đó không còn là vẻ đẹp tiêu biểu.

Ông Dương Xuân Nam chia sẻ: "Quan điểm của tôi ngay từ khi sáng lập cuộc thi hoa hậu đầu tiên và soạn thảo quy chế thi năm 1989 đã rất rõ ràng. Tôi nghĩ vẻ đẹp tự nhiên mới là vẻ đẹp chuẩn để ta lựa chọn và tôn vinh. Không phải ai cũng có nhiều tiền để phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu đi thi mà người phẫu thuật thẩm mỹ, người để tự nhiên thì không công bằng, không khách quan".

Cựu Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam nói thêm, tiêu chuẩn về hoa hậu mỗi thời mỗi khác. Ví dụ, trước năm 2000, hoa hậu cao tầm 1,6 m là được, nếu chọn người cao 1,7 m sẽ khó được chấp nhận. Càng về sau, tiêu chuẩn chiều cao tăng lên, các người đẹp cũng hiện đại, thông minh, sắc sảo hơn. Nhưng dù thay đổi thế nào, người Việt vẫn chuộng nét đẹp Việt.

"Tôi thích hoa hậu hoạt động từ thiện, văn hóa hơn là tham gia vào showbiz, dù họ có quyền đó. Khi đã hoạt động giải trí thì mang tính chất thương mại rồi", ông Nam nêu quan điểm.

Còn Phó ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2022, bà Phạm Kim Dung bày tỏ: "Việc phẫu thuật thẩm mỹ khiến chúng ta tự tin hơn, đẹp hơn, không còn là vấn đề khiến mọi người phải e dè nữa. Ngay cả việc Thanh Thủy lựa chọn phẫu thuật cũng giúp bạn cải thiện những thiếu sót mà bản thân cảm thấy tự ti".

Minh Tuyền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-luan-viec-hoa-hau-viet-nam-vua-dang-quang-da-phau-thuat-tham-my-post1417343.html
Zalo