Tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng, ban hành quy chuẩn Việt Nam

Sáng 10-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT).

Về áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, do tính chất bắt buộc áp dụng nên quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) là một loại văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mặc dù trong Luật Ban hành VBQPPL không quy định cụ thể về hình thức văn bản này.

Theo pháp luật hiện hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành QCKT quốc gia (QCVN), UBND cấp tỉnh ban hành QCKT địa phương (QCĐP); trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành QCKT được thực hiện theo quy trình kép, vừa tuân thủ quy định tại Luật TC&QCKT, vừa tuân thủ quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Do đó, nhiều bước thực hiện trùng nhau, một số thủ tục mang tính hình thức, không cần thiết…dẫn đến kéo dài thời gian xây dựng, ban hành, tăng chi phí tuân thủ.

Để bảo đảm tính đặc thù của QCKT là văn bản có tính chất kỹ thuật chuyên sâu, có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe con người, dịch vụ, môi trường nên quá trình xây dựng, thẩm định QCKT phải tiến hành nhiều hoạt động như thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá tác động…; theo đó việc xây dựng, thẩm định, ban hành QCKT cần thực hiện theo trình tự thủ tục riêng biệt, tuân thủ quy định của Hiệp định TBT, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, cần được quy định cụ thể tại dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bảo đảm phù hợp, thống nhất.

Về thẩm quyền thẩm định QCKT, có ý kiến đề nghị làm rõ, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ KH&CN và các cơ quan trong thẩm định QCVN, bảo đảm tính thống nhất, khách quan, tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng, ban hành QCVN, đặc biệt trong một số lĩnh vực giao thoa về phạm vi, đối tượng áp dụng.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật quy định giao trách nhiệm thẩm định cho các cơ quan ban hành QCVN nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, hạn chế những bất cập trong công tác xây dựng, thẩm định và ban hành.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giao Bộ KH&CN thẩm định QCVN như quy định của Luật hiện hành để thể chế hóa Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư nhằm tăng cường vai trò của cơ quan đầu mối quốc gia để quản lý Nhà nước về TC&QCKT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khách quan, loại bỏ chồng chéo trong xây dựng, thẩm định và ban hành QCKT. Tiếp thu ý kiến nêu trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giao Bộ KH&CN thẩm định QCVN và chỉnh lý một số quy định, rõ ràng hơn về quy trình, thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan…

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của Chính phủ, UBTVQH sẽ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện quy định trên.

Về công bố hợp quy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một QCKT thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật; đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục công bố hợp quy theo Luật TC&QCKT và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.

Ngọc Minh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tranh-loi-ich-nhom-cuc-bo-trong-xay-dung-ban-hanh-quy-chuan-viet-nam-post611335.antd
Zalo