Tranh đỏ Kim Hoàng rồi sẽ lại được treo ngày Tết

Nhắc đến tranh cổ, tranh Tết, người ta thường nghĩ ngay đến tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Ít ai biết, Kim Hoàng cũng là một dòng tranh nổi tiếng xứ kinh kỳ xưa.

Tranh dân gian Kim Hoàng hình thành từ nửa sau thế kỷ 18, xuất xứ từ làng Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tranh Kim Hoàng đứng trước một nguy cơ thất truyền, nếu như không có sự kịp thời phục hồi và phát huy giá trị của di sản này.

Khác với 30 dòng tranh dân gian Việt Nam khác, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã gần như biến mất kể từ lần xuất hiện vào Tết năm 1947. Câu chuyện của tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử tranh dân gian Kim Hoàng, kỹ thuật sản xuất tranh... mà là câu chuyện phục hồi một dòng tranh dân gian. Công sức của các nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, các họa sĩ và nhân dân làng Kim Hoàng đã tạo nên một kỳ tích.

Trăm năm trước, theo những đôi bồ của người bán hàng ra chợ Tết, những bức tranh tiến tài tiến lộc, lợn, gà… trên nền giấy đỏ Kim Hoàng đã mang không khí xuân tươi vui, rực rỡ về mỗi nếp nhà. Nếu đặc trưng của tranh Đông Hồ chỉ đơn thuần là giấy điệp, tranh Hàng Trống là giấy dó thì tranh Kim Hoàng lại nổi bật hơn cả khi sử dụng giấy dó pha thêm sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ pháo, tạo nên một vẻ tươi thắm riêng biệt. Cũng vì màu giấy đỏ ấy mà tranh Kim Hoàng còn được biết đến với tên gọi khác là tranh đỏ.

Thời thịnh của tranh Kim Hoàng kéo dài khoảng 100 năm. Theo ghi chép, vào năm 1915, một trận lũ lớn làm vỡ đê Liên Mạc (ngày nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều bản khắc gỗ bị cuốn trôi. Tranh Kim Hoàng dần thất truyền từ đó.

Năm 2016, “Dự án phục hồi tranh Kim Hoàng” do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cùng các đồng sự là các nhà nghiên cứu, họa sĩ và các nghệ nhân khởi xướng bắt đầu triển khai. Rất may mắn, dự án nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của cả người dân lẫn chính quyền xã Vân Canh.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: "Mặc dù được các nghệ nhân nhiệt tình cung cấp tài liệu và hiện vật, nhưng phục hồi tranh không dễ. Ngay tại làng cũng chỉ có vài cụ còn nhớ về dòng tranh Kim Hoàng mà các cụ đều đã trên 80 tuổi".

Dòng tranh Kim Hoàng đã và đang hồi sinh. Để đưa được tranh Kim Hoàng từ “hóa thạch” ra thành sản phẩm thương mại, trình diện trước công chúng là cả một quá trình dài cùng công sức không nhỏ của biết bao người.

Những giá trị dân gian truyền thống luôn cần được lưu giữ và lan tỏa. Những người nghệ nhân, những nhà nghiên cứu đều hi vọng rằng, nhiều năm về sau nữa, sắc đỏ tranh Kim Hoàng sẽ hiện diện trong mỗi gia đình Việt vào ngày Tết như thời kỳ hoàng kim. Bởi, đó không chỉ là sắc màu của sự may mắn mà còn là sắc màu tạo nên sự phong phú cho nền văn hóa truyền thống Việt Nam.

Ngô Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tranh-do-kim-hoang-roi-se-lai-duoc-treo-ngay-tet-301344.htm
Zalo