Tranh cãi quanh vụ người đàn ông bị Mỹ trục xuất nhầm sang El Salvador
Một người đàn ông sống tại bang Maryland đang cố gắng quay trở lại Mỹ sau khi bị trục xuất nhầm sang El Salvador vào tháng trước. Nhưng nỗ lực đó đã gặp phải trở ngại lớn vào ngày 14/4 khi Tổng thống El Salvador tuyên bố sẽ giữ ông này trong một nhà tù khét tiếng của nước này.

Người đàn ông được Jennifer Vasquez Sura xác định là chồng bà, Kilmar Abrego Garcia, được lính canh dẫn qua Trung tâm giam giữ khủng bố ở Tecoluca, El Salvador. Ảnh: Tòa án liên bang khu vực Maryland
Theo kênh CNN ngày 14/4, phát biểu của Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến pháp lý xoay quanh Kilmar Armando Abrego Garcia, người đang trở thành con tốt chính trị trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm mở rộng đáng kể quyền lực của tổng thống trong các vấn đề nhập cư, trong bối cảnh ông Trump theo đuổi chiến dịch trục xuất quy mô lớn.
Trong cuộc gặp với ông Trump tại Phòng Bầu dục, ông Bukele nói với các phóng viên rằng mặc dù ông có quyền thả Abrego Garcia, nhưng chính quyền của ông không hề thích thả những kẻ khủng bố bị giam tại El Salvador.
Giới chức Mỹ cáo buộc Abrego Garcia là thành viên băng đảng MS-13, tổ chức mà chính quyền ông Trump đã liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên, các luật sư của Abrego Garcia phản đối cáo buộc này và ít nhất một thẩm phán liên bang đã bày tỏ hoài nghi.
Abrego Garcia là ai?
Abrego Garcia, một công dân El Salvador, đã nhập cư trái phép vào Mỹ vào khoảng năm 2011. Tuy nhiên, vào năm 2019, một thẩm phán di trú sau khi xem xét các bằng chứng đã ra phán quyết đình chỉ lệnh trục xuất người này. Điều đó có nghĩa là Abrego Garcia không thể bị trục xuất về El Salvador, nhưng có thể bị đưa sang quốc gia khác. Thẩm phán nhận định rằng một băng đảng ở quê nhà đang nhắm đến ông và đe dọa giết ông vì gia đình ông kinh doanh món pupusa.
Giới chức Mỹ đã bắt giữ Abrego Garcia vào ngày 12/3 và vài ngày sau đưa ông lên một trong ba chuyến bay đến El Salvador. Chính quyền cáo buộc ông bị bắt giữ cùng với các thành viên cấp cao khác của băng đảng và một nguồn tin đáng tin cậy đã xác nhận ông là thành viên MS-13.
Sau đó, vợ ông đã nhận ra ông trong một bức ảnh chụp những người bị giam khi mới nhập trại tại nhà tù khét tiếng CECOT ở El Salvador.
Phản ứng của các tòa án liên bang
Cuối tháng trước, Abrego Garcia và gia đình đã khởi kiện một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump để yêu cầu đưa ông trở lại Mỹ. Thẩm phán quận Paula Xinis, người được bổ nhiệm thời Tổng thống Barack Obama, nhận định việc đưa Abrego Garcia sang El Salvador là hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu chính phủ đưa ông trở lại Mỹ trước 23 giờ 59 ngày 31/3.
Sau khi có kháng cáo, Tòa án Tối cao đã tạm dừng thời hạn đó và ủng hộ chỉ thị của bà Xinis nhưng không đưa ra thời hạn mới, chỉ nói rằng phán quyết của bà chưa rõ ràng và cần được làm sáng tỏ.
Tòa án Tối cao nhấn mạnh rằng lệnh của thẩm phán Xinis đúng khi yêu cầu chính phủ tạo điều kiện trả tự do cho Abrego Garcia khỏi nơi giam giữ tại El Salvador và đảm bảo vụ việc của ông được xử lý như thể ông chưa từng bị đưa đi.
Không thẩm phán nào phản đối công khai phán quyết, nhưng ba thẩm phán tự do đã chỉ trích hành động của chính quyền trong vụ việc.
Gỡ bỏ trở ngại trong nước
Khi vụ việc được đưa về cho bà Xinis, bà đã ra lệnh mới buộc chính quyền thực hiện mọi bước có thể để tạo điều kiện đua Abrego Garcia trở lại. Bà yêu cầu chính quyền nộp bản tuyên thệ từ một cá nhân “có hiểu biết trực tiếp” về các bước đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện nhằm đưa ông trở lại Mỹ.
Chính quyền không nộp bản tuyên thệ như yêu cầu, khiến thẩm phán ra lệnh chính phủ phải cung cấp báo cáo cập nhật hằng ngày để bà theo sát tiến độ thi hành phán quyết.
Tối 13/4, các luật sư Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định rằng chính phủ không có nghĩa vụ làm việc với giới chức El Salvador để đưa Abrego Garcia về nước. Họ lập luận rằng họ hiểu “tạo điều kiện” chỉ là gỡ bỏ những trở ngại trong nước có thể cản trở việc đưa ông này về.
Các luật sư Bộ Tư pháp Mỹ viết trong bản trình dài 7 trang: “Các tòa án liên bang không có thẩm quyền ra lệnh cho nhánh hành pháp tiến hành đối ngoại theo cách cụ thể hay hợp tác với một quốc gia có chủ quyền theo phương thức nào đó”.
Trong báo cáo gửi thẩm phán Xinis hôm đó, một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) tuyên bố rằng Abrego Garcia không còn đủ điều kiện được hoãn trục xuất do chính quyền khẳng định ông là thành viên MS-13.
Tuyên bố này từ ông Evan Katz, quan chức thuộc bộ phận Thực thi và Trục xuất của ICE, đồng nghĩa nếu Abrego Garcia quay lại Mỹ, chính phủ sẽ nhanh chóng trục xuất ông.
Một phiên điều trần mới về vụ việc sẽ diễn ra vào chiều 15/4.
Tuyên bố từ Phòng Bầu dục
Ông Trump đã thay đổi lập trường về Abrego Garcia trong những ngày gần đây, sau khi trước đó tuyên bố sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao.
Ông Trump nói với các phóng viên tuần trước: “Nếu Tòa án Tối cao yêu cầu đưa ai đó trở lại, tôi sẽ làm vậy. Tôi tôn trọng Tòa án Tối cao”.
Tuy nhiên, khi bị kênh CNN chất vấn lại về phát ngôn đó, ông Trump đã không trả lời trực tiếp, mà chuyển lời cho các thành viên chính quyền - gồm Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi, Phó chánh văn phòng Stephen Miller và Ngoại trưởng Marco Rubio - để nhấn mạnh lập luận rằng Mỹ không có quyền đưa Abrego Garcia trở lại.
“Đó là việc của El Salvador nếu họ muốn đưa ông ấy về. Không phải việc của chúng tôi. Tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng nếu El Salvador muốn đưa ông ấy trở lại... chúng tôi sẽ tạo điều kiện: nghĩa là cung cấp máy bay”, bà Bondi nói.
Vài phút sau, ông Bukele lên tiếng: “Tôi không có quyền đưa ông ấy trở lại Mỹ. Các vị muốn chúng tôi thả tội phạm để rồi quay về thời kỳ El Salvador là thủ phủ giết người của thế giới sao? Điều đó sẽ không xảy ra”.