Tranh cãi gay gắt: Không sạc xe hybrid PHEV, gây 'tội ác' kỹ thuật nghiêm trọng

Quan điểm của PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách Khoa Hà Nội) về công nghệ xe hybrid sạc điện (xe PHEV) đã bất ngờ gây ra những cuộc tranh luận trong cộng đồng những người quan tâm đến xe hybrid tại Việt Nam.

Mới đây, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc đã chia sẻ quan điểm về xe hybrid sạc điện (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) hay còn gọi là xe PHEV trên trang facebook cá nhân của mình. Bài viết cho rằng xe PHEV là một chiếc xe điện thực thụ, với động cơ điện, khối pin lớn và sạc điện tự nguồn bên ngoài.

Không sạc xe PHEV sẽ gây ra 2 "tội ác" kỹ thuật nghiêm trọng

"Mục tiêu thiết kế xe PHEV là đi làm hàng ngày bằng điện, đi chơi xa mới dùng xăng, do vậy công nghệ PHEV chỉ xuất hiện từ xe cỡ trung trở lên và thường là dạng xe SUV. Mặc dù là một chiếc có cổng cắm sạc pin nhưng rất tiếc, nhiều người mua về rồi... không sạc, phó mặc động cơ xăng còng lưng gánh thêm bộ pin nặng 300 - 400kg suốt ngày", PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc nhận xét.

Nghiên cứu về các dòng xe PHEV và BEV trong giai đoạn 2015-2020. Ảnh: NVCC

Nghiên cứu về các dòng xe PHEV và BEV trong giai đoạn 2015-2020. Ảnh: NVCC

Ông Phúc còn nhấn mạnh việc không sạc cho xe PHEV sẽ gây ra hai vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Thứ nhất, nếu không sạc đầy pin bằng nguồn điện bên ngoài, xe phải chuyển sớm sang chế độ hybrid, khi đó động cơ xăng và điện phải gồng mình kéo xe cùng lúc, khiến tiêu hao nhiên liệu thậm chí còn không hiệu quả bằng một xe hybrid tự sạc (Hybrid Electric Vehicle - HEV).

Thứ hai, người dùng không sạc ngoài cho xe PHEV đồng nghĩa với việc không phát huy được hết các thuật toán tối ưu sạc pin của nhà sản xuất thiết kế, pin bị ép vào những chu kỳ sạc thất thường kéo dài liên tục từ động cơ xăng. Hậu quả là tuổi thọ của pin sẽ sụt giảm nhanh chóng.

Nói về công nghệ xe hybrid hiện đang có mặt tại thị trường ô tô Việt Nam, vị chuyên gia này cho biết, một chiếc xe hybrid tự sạc (HEV) thông thường chỉ chạy ở chế độ thuần điện được 2 - 3km, vẫn đạt >50% thời gian vận hành thuần điện trong đô thị. Trong khi, xe hybrid sạc điện (PHEV) cho phép di chuyển thuần điện từ 40 - 60km. Nếu sạc đầy mỗi ngày, dòng xe này hoàn toàn có thể trở thành xe điện chính hiệu trong đô thị, do không tốn một giọt xăng nào.

Đồ họa mô phỏng quá trình hoạt động của dòng xe Plug-in Hybrid (PHEV). Ảnh: KIA

PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc khẳng định xe PHEV là xe điện mà đã là xe điện thì cần phải sạc, đồng thời còn ví von rằng: "Nếu bỏ tiền mua xe PHEV mà không sạc điện thì chẳng khác nào mua nồi cơm điện rồi... nhóm củi."

Vậy xe PHEV có được coi là xe điện?

Sau khi bài viết của PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc được đăng tải trên trang facebook cá nhân, ngay lập tức hàng loạt ý kiến tranh luận sôi nổi của những người quan tâm đến xe hybrid đã diễn ra trên cộng đồng mạng.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Admin cộng đồng xe OTO+ đồng quan điểm: "Nếu bỏ một khoản tiền nhiều hơn để sở hữu một chiếc xe PHEV mà lại không sạc ngoài thì hiệu suất sẽ không bằng xe hybrid tự sạc, khi đó người dùng nên mua xe HEV để giảm bớt chi phí". Nhưng anh Thắng cho rằng kể cả xe PHEV không sạc ngoài thì mức tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn động cơ xăng với cùng một dòng xe.

Nhiều người cho rằng con số tiết kiệm nhiên liệu mà nhà sản xuất đưa ra chỉ đạt được khi xe được sạc đầy và sử dụng chế độ điện tối đa. Còn nếu không sạc, người dùng sẽ không tận dụng được khả năng chạy thuần điện với chi phí rẻ hơn và sạch hơn, mà lại phải dùng động cơ xăng kéo thêm khối lượng pin lớn, gây tốn xăng hơn HEV thông thường như PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc đã phân tích.

Các mẫu xe hybrid sạc điện PHEV đang có mặt trên thị trường ô tô Việt Nam. Ảnh: Ngô Minh

Các mẫu xe hybrid sạc điện PHEV đang có mặt trên thị trường ô tô Việt Nam. Ảnh: Ngô Minh

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại không đồng tình với ý kiến của vị chuyên gia này khi cho rằng, các thông tin được đưa ra đều dựa trên lý thuyết cũ.

Anh Nguyễn Đăng Quang phản biện: "Trước đây, quãng đường di chuyển của xe PHEV chỉ từ 30 - 70km nhưng hiện nay quãng đường di chuyển phổ biến đã đạt từ 100 - 200km. Với PHEV thì khi sạc pin động cơ điện được cấp bởi máy phát động cơ xăng nên nó còn tốt cho pin giảm tải hệ thống, không giống như công nghệ sạc cũ là sạc cho pin, sau đó pin cấp điện nối tiếp cho mô tơ điện."

Hơn nữa, trừ các trường hợp động cơ đốt trong tham gia hỗ trợ vào quá trình truyền động, hoặc tốc độ xe thường trên 120 km/h thì động cơ điện và pin còn được nghỉ, không phải làm việc. Vậy nên, pin của xe PHEV rất bền, anh Quang nói thêm.

Một tài khoản khác có tên Linh Nguyễn khẳng định: "Xe PHEV giống là một biến thể nâng cấp của xe hybrid tự sạc nhưng có khả năng cắm sạc và phạm vi chạy thuần điện xa hơn. Nó không phải là xe điện như vị chuyên gia nói vì vẫn còn động cơ đốt trong và không bắt buộc phải sạc điện."

Trên thực tế, dù xe PHEV không bắt buộc phải sạc pin nhưng hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều đưa ra khuyến cáo chúng cần được sạc điện thường xuyên để phát huy hết công dụng và hiệu quả của nó. Bởi khả năng "cắm sạc" và chạy được một quãng đường đáng kể bằng điện là điểm cốt lõi và khác biệt chính của xe PHEV so với xe hybrid thông thường (HEV).

Cuộc tranh cãi về phát ngôn của PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc thực chất phản ánh những góc nhìn khác nhau về vị trí và giá trị của công nghệ PHEV trong bối cảnh chuyển đổi sang năng lượng sạch trong ngành ô tô.

Tuy nhiên, khi thị trường xe PHEV đang dần phổ biến tại Việt Nam, những góc nhìn đa chiều như thế này sẽ giúp cho người dùng có thêm những hiểu biết và kinh nghiệm sử dụng đúng cách đối với dòng xe này.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Ngô Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-cai-gay-gat-khong-sac-xe-hybrid-phev-gay-toi-ac-ky-thuat-nghiem-trong-2391245.html
Zalo