Trang trọng Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm ở Côn Sơn (Hải Dương)

Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả tưởng nhớ, tri ân công đức của ngài trong phát triển thiền phái Trúc Lâm và tôn tạo cảnh quan Côn Sơn (Hải Dương).

Tượng thờ Trúc Lâm Tam Tổ (ngoài cùng bên trái hàng thứ 2 từ trên xuống) trong Tổ đường chùa Côn Sơn

Tượng thờ Trúc Lâm Tam Tổ (ngoài cùng bên trái hàng thứ 2 từ trên xuống) trong Tổ đường chùa Côn Sơn

Sáng 20/2 (tức 23 tháng giêng), tại di tích Côn Sơn, Ban Tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 tổ chức Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, TP Chí Linh, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng đông đảo nhân dân, du khách dự lễ.

Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương chủ trì khóa lễ cúng Tam Tổ Trúc Lâm

Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương chủ trì khóa lễ cúng Tam Tổ Trúc Lâm

Ban tổ chức thực hiện nghi lễ cúng Tam Tổ Trúc Lâm

Ban tổ chức thực hiện nghi lễ cúng Tam Tổ Trúc Lâm

Lễ giỗ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả diễn ra trang nghiêm theo nghi thức truyền thống tại ngôi Tam bảo chùa Côn Sơn. Trong khói hương trầm mặc, các nhà sư, Phật tử dâng hương, hoa, vật phẩm và tiến hành các nghi lễ cúng Phật, thánh, Tam Tổ Trúc Lâm, chư vị thần linh.

Lễ giỗ là nghi thức quan trọng tại lễ hội mùa xuân hằng năm nhằm tưởng nhớ Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả - người có công lao to lớn trong phát triển thiền phái Trúc Lâm, tôn tạo cảnh quan Côn Sơn.

Sau lễ giỗ, các đại biểu và nhân dân dâng hương tại nhà tổ, tháp Đăng Minh (Đăng Minh bảo tháp) - nơi đặt xá lị của Tổ Huyền Quang phía sau chùa Côn Sơn.

Nhân dân, du khách tham gia lễ cúng Phật trong chùa Côn Sơn

Nhân dân, du khách tham gia lễ cúng Phật trong chùa Côn Sơn

20/2 là ngày giữa tuần nhưng vẫn có khá đông nhân dân, du khách về tham quan, chiêm bái và dự lễ giỗ Huyền Quang tôn giả.

Các tăng ni, Phật tử làm lễ dâng hương trước cửa chùa Côn Sơn

Các tăng ni, Phật tử làm lễ dâng hương trước cửa chùa Côn Sơn

Ban tổ chức dâng hương tại Đăng Minh bảo tháp

Ban tổ chức dâng hương tại Đăng Minh bảo tháp

Chiều tối cùng ngày, cũng tại di tích Côn Sơn sẽ diễn ra Lễ đàn Mông Sơn thí thực. Nghi lễ này là nội dung cuối cùng tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025.

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh tháng giêng, năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ 4 (1254), đời vua Trần Thái Tông, nguyên quán tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Huyền Quang thông minh từ nhỏ, đỗ Trạng nguyên năm 20 tuổi, từng làm quan tại Viện Hàn lâm nhà Trần. Từ bỏ chốn quan trường, đi tu năm 51 tuổi, Huyền Quang đa văn uyên bác, tinh thông đạo lý. Ông thuyết pháp và soạn truyền kinh sách Phật học, cho khắc in nhiều bản để truyền bá trong dân.

Tương truyền, tăng ni về theo học ngài đến khoảng 1.000 người. Năm 1317, ngài được Pháp Loa truyền y bát của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch năm 1330, ngài kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Huyền Quang trụ trì chùa Thanh Mai trong 6 năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa.

Tại đây, ông cho tôn tạo, mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Cửu phẩm Liên hoa, am Bạch Vân, xây dựng tăng viện đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp… đưa Côn Sơn trở thành đại danh lam, đại tùng lâm.

Ngày 23 tháng giêng năm Khai Hựu thứ 6 (năm 1334), Đệ Tam Tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn.

LÊ HƯƠNG - VĂN TUẤN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/trang-trong-le-gio-de-tam-to-truc-lam-o-con-son-hai-duong-405671.html
Zalo