Trang phục vỏ cây và tiếng vọng từ quá khứ

Trong những dịp lễ hội của buôn làng, ngoài trang phục phổ biến được làm bằng thổ cẩm, người Cơ Tu và người Bru-Vân Kiều sống dọc dãy Trường Sơn còn diện trang phục rất độc đáo làm từ vỏ cây rừng.

Người Cơ Tu chọn vỏ cây pơ plem để làm áo. ẢNH: LÊ DUNG.

Người Cơ Tu chọn vỏ cây pơ plem để làm áo. ẢNH: LÊ DUNG.

Từ xa xưa, đàn ông người Cơ Tu đã nổi tiếng giỏi làm trang phục, trang sức bằng cây rừng để tặng người thương. Già làng thôn Voòng (xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, khi chưa phát hiện cây bông kết sợi, chưa biết dệt các tấm thổ cẩm, người Cơ Tu chủ yếu mặc trang phục bằng vỏ cây, dây rừng. Phải chọn những cây vừa đủ độ rộng, độ dài, độ dẻo, mềm và bền để có thể làm tấm khố, tấm váy.

Thường thì người Cơ Tu chọn vỏ cây pơ plem - một loại cây thân gỗ, mọc nhiều ở rừng làm các tấm khố, váy, còn đối với áo, mũ thì chọn dây cây zilang - loại cây này thân dây có đường kính 5cm, mọc thành từng bụi 5 đến 7 cây.

Sau khi vỏ cây pơ plem, zilang kết thành tấm to, dài có thể làm khố, váy, áo, mũ... phải đem ra suối, sông ngâm ba đến bốn ngày để cho ra hết chất nhựa, rồi đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời một, hai ngày. Khi đã phơi khô xong, các tấm vỏ cây sẽ được cắt, khâu lại thành những chiếc áo, khố, váy và mũ theo kích cỡ của người mặc. Nếu có tấm vỏ cây lớn, người ta chỉ cần khoét lỗ làm thành cổ áo, rồi gài thêm các sợi dây vào bên mép áo để khi mặc thì thắt lại với nhau thay cho nút áo.

Tuy rằng tới nay trang phục bằng vỏ cây không được sử dụng phổ biến trong các hoạt động thường nhật, nhưng trong tâm thức của người Cơ Tu nó không đơn thuần là để che thân mà còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, phản ánh quá trình phát triển của cả tộc người. Nó còn phản ánh tinh thần đoàn kết, thương yêu giữa con người với con người, giữa con người với núi rừng, thiên nhiên cây cỏ.

Tại một số huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, từ xa xưa người Bru-Vân Kiều đã có tấm áo cho riêng mình được làm từ vỏ cây. Cho dù những tấm áo thổ cẩm đã thay cho áo vỏ cây nhưng người Bru-Vân Kiều vẫn đang tìm nhiều cách giữ gìn. Bảo tàng Quảng Trị có 6 hiện vật thuộc trang phục bằng chất liệu vỏ cây (4 chiếc áo, 1 chiếc khố và 1 tấm nguyên liệu) thuộc trang phục của người Bru - Vân Kiều. Được biết, chúng được lần lượt đưa về bảo tàng từ năm 1996 đến năm 2005 từ huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa. Những chiếc áo vỏ cây có kích thước tương đương nhau (dài thân 60 - 70 cm, rộng thân sau 50 - 60 cm, rộng vai 40 cm), còn chiếc khố có kích thước dài 1,5 m, rộng 28 cm.

Áo, khố và tấm choàng được làm từ vỏ của một loại cây rừng tên gọi là cây pi, một loại cây thân mộc có lớp vỏ khá dày từ 4 - 5 cm. Cây pi rất hiếm, người biết cách làm áo từ vỏ thân cây này càng hiếm, vì rất công phu. Bà con không bao giờ đốn cả cây pi, mà chỉ dùng rựa đẽo quanh thân cây một vòng tròn để lấy vỏ cây đập dập cho mềm. Sau đó, người ta cho vỏ cây vào một thùng nước ngâm lá mía, sả, gừng khoảng 10 ngày cho mủ thải ra hết. Ngâm xong, vỏ cây pi được đưa ra phơi sương, phơi nắng trong vòng 7 ngày đêm, sau đó mới đưa vỏ cây ra khâu áo. Chỉ dùng để khâu áo làm bằng sợi mây rừng, chạy 2 đường bên hông.

Áo vỏ cây là niềm kiêu hãnh trong nghệ thuật trang phục của người Bru-Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn. Tuy vậy, ngày nay bà con không còn mặc áo vỏ cây nên nghề làm áo, may áo cũng mai một, thay vào đó là những tấm áo thổ cẩm được dệt từ những khung cửi gỗ. Tới nay, ngay cả thổ cẩm cũng vắng bóng.

Trong bối cảnh đó, ở bản Ka Lu (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) một số phụ nữ đã họp nhau lại thành tổ đội dệt thổ cẩm. Còn ở huyện Hướng Hóa, nghệ nhân Hồ Văn Hồi được coi là bậc thầy dệt thổ cẩm. Ông Hồi cho biết để làm ra một tấm vải đúng chất, không đơn giản là chỉ học kỹ thuật và dệt mà vấn đề là phải hiểu nó, đặc biệt là những hoa văn truyền thống trên đó. Màu nào, họa tiết nào biểu thị cho điều gì.

Ông Hồi cũng cho biết, "nếu chỉ dệt một mình thì buồn lắm" nên ông đã dành nhiều thời gian đi qua nhiều bản làng của huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa để dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân bản. Thật xúc động khi ông Hồi nói: "Tôi rồi sẽ về với đất như bao người Vân Kiều khác, nhưng tấm áo thổ cẩm của đồng bào tôi sẽ còn mãi".

Trịnh Thị Hạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trang-phuc-vo-cay-va-tieng-vong-tu-qua-khu-10270811.html
Zalo