Trang phục truyền thống của người Mông trong Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào ở thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vừa được phục dựng, tái hiện sinh động những giá trị tín ngưỡng sâu sắc của người Mông. Đây không chỉ là dịp cầu may mắn, mùa màng bội thu mà còn là cơ hội để người Mông kết nối với thần linh qua những bộ trang phục truyền thống. Mỗi đường nét, họa tiết trên trang phục không chỉ tô điểm cho lễ hội thêm rực rỡ mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng, truyền tải câu chuyện của một dân tộc gắn bó với núi rừng và tín ngưỡng tổ tiên.

Thầy cúng trong bộ trang phục của người Mông thực hiện nghi lễ xin dựng cây nêu.

Thầy cúng trong bộ trang phục của người Mông thực hiện nghi lễ xin dựng cây nêu.

Một trong những phần quan trọng nhất của lễ hội Gầu Tào là nghi lễ dựng cây nêu, biểu tượng của sự giao thoa giữa trời đất và con người, gắn kết với thế giới tâm linh. Chính trong khoảnh khắc thiêng liêng này, trang phục của những người tham gia trở nên đặc biệt ý nghĩa. Ông Vàng A Chứ, thầy cúng chủ lễ, với nét mặt trang nghiêm, khoác lên mình bộ trang phục truyền thống màu đen của người Mông. Màu đen - biểu tượng của sự giản dị, nhưng lại mang trong mình sức mạnh của sự kết nối với cõi thiêng. Ông Vàng A Chứ chia sẻ: Trang phục của tôi không quá cầu kỳ, chủ yếu là bộ quần áo màu đen với các họa tiết đơn giản, nhưng mang đậm tinh thần của dân tộc. Đó là sự trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên trong những nghi lễ thiêng liêng.

Cùng với thầy cúng, những nam thanh niên khỏe mạnh, những người phụ giúp trong nghi lễ cũng khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của mình. Tuy không cầu kỳ nhưng toát lên khí chất mạnh mẽ, đại diện cho sự phồn thịnh và sức sống của cộng đồng người Mông.

Trang phục đôi vợ chồng trong nghi lễ dựng cây nêu.

Trang phục đôi vợ chồng trong nghi lễ dựng cây nêu.

Điểm nhấn trong nghi lễ dựng cây nêu là sự xuất hiện của hai đôi vợ chồng đại diện cho làng. Họ không chỉ tham gia vào nghi lễ với vai trò đặc biệt, mà còn mang theo mình những bộ trang phục cầu kỳ, rực rỡ, tôn vinh bản sắc văn hóa của người Mông trắng ở Ngòi Sen. Người chồng, trong trang phục nam truyền thống của người Mông, với áo cổ đứng, quần dài tới mắt cá chân, đơn giản nhưng mạnh mẽ, thể hiện tính cách kiên cường của người đàn ông.

Người vợ, với bộ váy áo thêu tay tinh xảo, nổi bật với các hoa văn truyền thống được chăm chút tỉ mỉ. Bộ trang phục gồm khăn, áo, váy, thắt lưng và xà cạp, mỗi chi tiết đều chứa đựng giá trị văn hóa, thể hiện sự khéo léo và tài năng của phụ nữ Mông. Áo ngoài không có cổ, thay vào đó là nẹp vải màu sắc tươi sáng, tay áo được trang trí hoa văn hình thoi cầu kỳ, gợi lên vẻ đẹp truyền thống mà hiện đại khó có thể thay thế.

Phụ nữ Mông trắng ở Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) tham gia lễ hội Gầu Tào.

Phụ nữ Mông trắng ở Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) tham gia lễ hội Gầu Tào.

Không chỉ trong các nghi lễ, trang phục truyền thống còn là niềm tự hào của người Mông trong đời sống thường ngày. Chị Ngô Thị Lý, người dân thôn Ngòi Sen, xúc động chia sẻ: Mỗi khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, tôi cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với tổ tiên, với cội nguồn văn hóa của mình.

Ngày nay, dù có rất nhiều lựa chọn về thời trang hiện đại, nhưng trong các dịp lễ hội hay sự kiện quan trọng, người Mông vẫn luôn chọn mặc những bộ trang phục truyền thống. Điều này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của người phụ nữ mà còn là cách để giữ gìn và truyền tải những giá trị văn hóa quý báu mà tổ tiên.

Cảnh Trực (Báo Tuyên Quang)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/trang-phuc-truyen-thong-cua-nguoi-mong-trong-le-hoi-gau-tao-223038.htm
Zalo