Trấn Yên bảo tồn văn hóa từ nghị quyết của Đảng

Nghị quyết số 10, ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Nghị quyết 10) được ban hành đã thực sự trở thành động lực đánh thức tiềm năng phát triển du lịch ở Trấn Yên, khẳng định hiệu quả việc bảo tồn văn hóa từ thực hiện nghị quyết của Đảng.

Cô trò Trường Tiểu học và THCS số 2, xã Y Can, huyện Trấn Yên tham quan di tích Nhà ông Trần Đình Khánh tại Khu di tích Chiến khu Vần, xã Việt Hồng.

Cô trò Trường Tiểu học và THCS số 2, xã Y Can, huyện Trấn Yên tham quan di tích Nhà ông Trần Đình Khánh tại Khu di tích Chiến khu Vần, xã Việt Hồng.

Với giá trị lịch sử, những năm qua nhân dân xã Việt Hồng luôn trân trọng, giữ gìn những di tích tại Chiến khu Vần như: Nhà ông Trần Đình Khánh, cây vải Đình Trung, đình Làng Vần, cây gạo, cây sữa, hang Dơi... Ngày 4/9/1995, Di tích lịch sử Chiến khu Vần đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Với giá trị lịch sử của vùng đất Chiến khu năm 2024, thực hiện Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh, huyện Trấn Yên đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt khảo sát, xây dựng tour du lịch lịch sử "Theo dấu chân anh hùng” với hành trình tới nhiều địa chỉ, di tích lịch sử - văn hóa tại xã Việt Hồng như: Chiến khu Vần, đình Làng Dọc tới Bến Âu Lâu, Bảo tàng tỉnh Yên Bái... Đây là những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các "địa chỉ đỏ” để các chi, đảng bộ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, sở, ngành, các trường học đến tham quan, trải nghiệm, giáo dục truyền thống cách mạng.

Tham quan di tích Nhà ông Trần Đình Khánh, cô giáo Mai Hương Lý, Trường Tiểu học và THCS số 2, xã Y Can cho hay: "Hàng năm, nhà trường đã tổ chức cho các lớp đi tham quan tại nhiều di tích lịch sử. Tới thăm Nhà ông Trần Đình Khánh, học sinh rất hứng thú khi được nghe câu chuyện về Chánh tổng Lương Ca Trần Đình Khánh - người dân tộc Tày đi theo cách mạng, nhà ông là trụ sở đầu tiên của Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái; được tham quan các hiện vật gắn với lịch sử địa phương… Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc giúp các em học sinh thêm yêu và ghi nhớ lịch sử cách mạng".

Cùng với xã Việt Hồng, tại xã Kiên Thành, thực hiện Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh, xã cũng đã thành lập 2 đội văn nghệ tại 2 thôn Đồng Song và Đồng Ruộng, hỗ trợ mua sắm trang phục và kinh phí tập luyện; mở 3 lớp truyền dạy, đồng thời hỗ trợ mua sắm dụng cụ cho đội phân loại, thu gom rác thải tại thôn Đồng Ruộng… Tập trung phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo của địa phương, xã Kiên Thành từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mỗi năm, xã đã đón trên 2.000 lượt du khách, trong đó có hàng trăm lượt khách quốc tế; doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng.

Huyện Trấn Yên là vùng đất đa sắc màu với 16 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên một nền văn hóa hội tụ những tinh hoa, giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại và công nghệ số, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nguy cơ dần mai một và biến dạng; những nghệ nhân cao tuổi, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, trong các thôn, bản mất đi đã mang theo những "tư liệu sống”; trang phục truyền thống cũng dần ra khỏi đời sống...

Vì thế, ngành văn hóa và các địa phương trên địa bàn đã nỗ lực bảo tồn các bản sắc văn hóa, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch; nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định 1719 của Trung ương để hỗ trợ mở các lớp truyền dạy, bảo tồn bản sắc văn hóa như: Lớp bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao, Tày, Mường, Cao Lan; lớp bảo tồn đàn Tính - hát Then dân tộc Tày; lớp truyền dạy thêu hoa văn trang phục dân tộc Dao quần chẹt, xã Kiên Thành.

Ngành văn hóa và các địa phương còn xây dựng các đội văn nghệ có bản sắc độc đáo như: Đội văn nghệ dân tộc Cao Lan, xã Hòa Cuông; đội văn nghệ dân tộc Tày, các xã Kiên Thành, Hưng Thịnh, Hưng Khánh… Đến nay, huyện có 24 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp; toàn huyện có 230 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả.

Ông Phạm Huy Mai - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trấn Yên cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 10, huyện đã chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Nghị quyết 10 đã góp phần phát huy vai trò, tính sáng tạo của nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời giúp họ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác bảo tồn di sản cho đội ngũ kế cận cũng như đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/349003/tran-yen-bao-ton-van-hoa-tu-nghi-quyet-cua-dang.aspx
Zalo