Trần Tuấn - Người nghệ sĩ 35 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thời gian là người thợ khắc tài hoa và lịch sử là tấm phông nền vĩ đại, nơi có những cuộc gặp gỡ định mệnh, những mối duyên lành tựa như được sắp đặt bởi thời cuộc. Trong dòng chảy bất tận của lịch sử, có một mối lương duyên kỳ ngộ, đó là câu chuyện của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Tuấn và hành trình 35 năm 'đãi cát tìm vàng', chắt chiu từng khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bằng ống kính nhạy cảm và một trái tim đầy kính ngưỡng, NSNA Trần Tuấn không chỉ là người ghi lại lịch sử, mà còn khắc họa nên chân dung chân thực, tầm vóc vĩ đại và đặc biệt là cốt cách giản dị phi thường của vị tướng huyền thoại - người Anh Cả kính yêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và NSNA Trần Tuấn
Khởi nguồn từ cuộc tao ngộ lịch sử
Mang trong mình chất nghệ sĩ và nét hào hoa của chàng trai phố cổ Hàng Đào, Trần Tuấn đã nuôi dưỡng niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời. Chính niềm đam mê ấy đã thôi thúc ông dấn thân vào con đường báo chí chuyên nghiệp tại Thông tấn xã Việt Nam. Trải qua những năm tháng tác nghiệp đầy cam go giữa lòng chiến trường Thừa Thiên Huế (1973) và sau đó tham gia xây dựng lại quê hương tại Phân xã Huế, kinh nghiệm và bản lĩnh của ông ngày càng được tôi luyện. Và rồi, thời khắc lịch sử đến vào đầu năm 1976, khi ông được trao một sứ mệnh đặc biệt, trở thành người tháp tùng, ghi lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến công tác hai tháng đầy ý nghĩa tới các tỉnh miền Nam vừa được giải phóng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng cây tại khuôn viên Trường Quốc học Huế trong chuyến về thăm lại trường
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa NSNA Trần Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lưu giữ bằng bức ảnh đen trắng ghi lại khoảnh khắc Đại tướng trở về thăm mái trường Quốc học Huế xưa cũ. Cùng năm đó, sau chuyến công tác cùng Đại tướng tại Quảng Ninh, NSNA Trần Tuấn nhận được sự tin tưởng đặc biệt từ lãnh đạo TTXVN và giao trọng trách trở thành phóng viên ảnh riêng, người duy nhất được theo sát mọi bước chân của Đại tướng trong các chuyến công tác. Đây chính là bước ngoặt lớn, khởi điểm cho một sứ mệnh kéo dài 35 năm - hành trình ông trở thành đôi mắt trung thực, chứng nhân tin cậy cho cuộc đời phi thường của một vĩ nhân.
Những khoảnh khắc trở thành “bất tử”
35 năm đồng hành là 35 năm NSNA Trần Tuấn được tắm mình trong những kỷ niệm đẹp đẽ, những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Trong vô vàn khoảnh khắc đáng nhớ, ông đặc biệt tâm đắc bức ảnh chụp Đại tướng nằm nghỉ trên chiếc võng đơn sơ dưới bóng tre xanh mát tại Củ Chi năm 1996. Giữa cái nắng oi nồng của trưa hè phương Nam, hình ảnh vị tướng huyền thoại ung dung tự tại, hòa mình vào thiên nhiên, xóa tan mọi khoảng cách với đồng bào xung quanh, đã được ống kính của ông ghi lại.

Ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm võng nghỉ ngơi tại đền thờ Bến Dược, huyện Củ Chi, TP HCM năm 1996.
Một câu chuyện khác lại khắc họa đậm nét tình cảm và sự quan tâm chân thành của Đại tướng, đó là khi NSNA Trần Tuấn bất ngờ phải nhập viện cấp cứu tại Vũng Tàu cùng năm 1996. Đại tướng không chỉ ân cần thăm hỏi mà còn quyết định ở lại thêm một tuần, chờ ông bình phục mới tiếp tục chuyến công tác. Người còn chu đáo đề nghị đón vợ ông vào chăm sóc. Ngày ông ra viện, chính tay Đại tướng đã cầm máy ảnh, chụp một bức hình kỷ niệm thay lời chúc mừng giản dị mà chan chứa ân tình.
Với NSNA Trần Tuấn, Đại tướng không chỉ là một nhà lãnh đạo anh minh mà còn là một người thầy lớn, một hình mẫu về nhân cách. Ông luôn khắc ghi trong long những lời động viên, góp ý nhẹ nhàng, chuẩn mực, những cử chỉ quan tâm tinh tế của Đại tướng. Đây cũng chính đã nguồn cảm hứng bất tận mà ông may mắn thụ hưởng trên con đường nghệ thuật của mình.
Báu vật vô giá và khát vọng lan tỏa
Kết tinh của 35 năm miệt mài ấy là một "kho báu" vô giá với hàng nghìn cuộn phim, hàng vạn file ảnh đồ sộ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ý thức sâu sắc giá trị lịch sử và nhân văn của kho tư liệu này, NSNA Trần Tuấn luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để những hình ảnh chân thực, dung dị về vị tướng của lòng dân được lan tỏa rộng rãi.
Bằng tất cả tâm huyết và cả nguồn lực cá nhân, ông đã tự mình chắt chiu, công phu thực hiện và cho ra mắt 5 cuốn sách ảnh quý giá về Đại tướng. Ông từng được gọi là "gã khùng" khi vào năm 2011 khi đã bán đi chiếc xe hơi mới mua để dồn kinh phí tổ chức triển lãm ảnh hoành tráng "101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại" tại Dinh Độc Lập, TP HCM, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, một sự kiện chỉ thành hiện thực sau khi ông kiên trì ngỏ ý và nhận được cái gật đầu mỉm cười của Đại tướng lúc Người tròn 101 tuổi. Toàn bộ tác phẩm sau đó được ông trân trọng trao tặng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sáu cuộc triển lãm tại năm tỉnh, thành phố là những nỗ lực không mệt mỏi của ông để đưa hình ảnh Đại tướng đến gần hơn với công chúng. Vinh dự lớn lao đến vào năm 2022 khi cụm tác phẩm "Sự giản dị của Đại tướng" được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật - sự ghi nhận xứng đáng cho cống hiến thầm lặng của ông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ.
Người nghệ sĩ và ngọn lửa đam mê bất diệt
Giờ đây, khi đã bước qua tuổi thất thập, NSNA Trần Tuấn vẫn giữ được sự minh mẫn lạ thường. Ông có thể nhớ kỹ từng chi tiết, bối cảnh của mỗi tấm ảnh. Chiếc máy ảnh vẫn như vật bất ly thân, và ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh trong ông vẫn cháy bỏng với những dự định còn ấp ủ.
Hành trình 35 năm của NSNA Trần Tuấn không chỉ là câu chuyện về một phóng viên ảnh tận tụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là câu chuyện về lòng kính yêu sâu sắc được chuyển hóa thành hành động bền bỉ, về một nghệ sĩ đã dùng cả cuộc đời mình để theo đuổi một lý tưởng, để tìm kiếm và lưu giữ hồn cốt, nhân cách của một vĩ nhân qua lăng kính nghệ thuật. Ông đã lặng lẽ bắc một nhịp cầu bằng hình ảnh, kết nối quá khứ với hiện tại, đan xen những sợi chỉ huyền thoại và đời thường, để chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng giản dị mà vĩ đại - mãi mãi sống động và gần gũi trong trái tim triệu triệu người con đất Việt.