Trăn trở việc áp dụng tội danh 'Tham ô tài sản' đối với các nhân viên trong khu vực tư

Từ thực tiễn xét xử một số vụ án cho thấy, có lẽ đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất sửa lại cách viết điều luật liên quan đến tội phạm về chức vụ.

TS. Vũ Văn Tính, Cố vấn công ty Luật TNHH SALUS.

TS. Vũ Văn Tính, Cố vấn công ty Luật TNHH SALUS.

Ngày 20/12/2023 Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La kết án Lò Văn H, một nhân viên lái xe kiêm thu tiền cước, tội tham ô tài sản với số tiền 25.990.000 đ (hai lăm triệu đồng). Mức án tòa tuyên với Lò Văn H là 4 năm 6 tháng tù. Lò Văn H chỉ là một trong nhiều trường hợp người lao động làm việc trong doanh nghiệm tư bị tòa án kết án với tội danh tham ô tài sản từ sau khi Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017 – BLHS) có quy định về xử lý một số hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Thực tế, các vụ án xảy ra gần đây cho thấy những người bị kết tội tham ô tài sản trong doanh nghiệp tư phần đa là những nhân viên bình thường như người giao hàng, tài xế, nhân viên coi kho, nhân viên lái máy xúc. Trước BLHS 2015, những hành vi tương tự như của Lò Văn H thường bị tòa án tuyên với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với mức hình phạt thấp hơn rất nhiều so với tội danh Tham ô tài sản (với số tiền 25.990.000 đ, nếu áp dụng tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 BLHS thì Lò Văn H chỉ phải chịu mức án khoảng trên 6 tháng tù).

Phải chăng việc áp dụng pháp luật mới đang gây bất lợi cho người lao động trong doanh nghiệp tư?

Tại sao tòa lại áp dụng tội danh Tham ô tài sản?

Điều 353 BLHS quy định “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý […]” thì bị coi là tham ô tài sản. Trong vụ án của Lò Văn H, tòa án nhận định “Bị cáo là người có quyền hạn, có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt, tài sản bị chiếm đoạt do chính bị cáo quản lý, đã lợi dụng quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và làm mất đi một số tiền của doanh nghiệp mà bị cáo có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý”. Như vậy căn cứ để tòa áp dụng tội danh tham ô tài sản là do tòa nhận định H có “quyền quản lý” số tiền 25 triệu đồng và H đã lợi dụng quyền đó để chiếm đoạt số tiền của công ty.

Nhận định của tòa án có lẽ xuất phát từ cách sắp xếp từ ngữ trong quy định của điều 353 BLHS. Thật vậy, điều 353 BLHS (và nhiều quy định pháp luật liên quan đến các tội phạm về chức vụ) bắt đầu bằng giả định “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn […]”, có thể nhận thấy dấu phẩy được đặt giữa cụm từ “chức vụ, quyền hạn” mà không dùng từ “và” hay từ “hoặc” giữa hai cụm từ này. Cách viết này dễ làm cho người đọc hiểu rằng giả định đề cập đến hai loại chủ thể: chủ thể là người có chức vụ hoặc chủ thể là người có quyền hạn. Hệ quả là có người dù không giữ chức vụ gì trong doanh nghiệp nhưng vẫn có thể bị coi là có quyền quản lý tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tham ô tài sản nếu lợi dụng quyền đó để chiếm đoạt tài sản được giao quản lý.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng tòa án đã không xem xét kỹ Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ (Nghị Quyết 03) để xác định trong một doanh nghiệp ngoài nhà nước ai sẽ được coi là “người có chức vụ, quyền hạn”. Thật vậy, theo khoản 4 điều 2 Nghị Quyết 03 thì “Người có chức vụ” trong BLHS sẽ là “Người có chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật PCTN. Thực tế, khoản 2 Điều 3 Luật PCTN liệt kê các trường hợp được coi là “Người có chức vụ, quyền hạn”, bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Như vậy trong phạm vi doanh nghiệp, chỉ có các đối tượng sau mới được coi là “Người có chức vụ, quyền hạn”: (i) người được giao đại diện phần vốn nhà nước; và (ii) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp. Theo khoản 24 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp bao gồm: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trong vụ án diễn ra tại Sơn La, Lò Văn H chỉ là một nhân viên lái xe kiêm thu tiền cước, không nằm trong danh sách những người giữ chức danh, chức vụ quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Vì vậy không thể cho Lò Văn H là người có chức vụ, quyền hạn được. Mặt khác, không phải hành vi chiếm đoạt tài sản nào của tổ chức cũng bị coi là tham ô. Ngoài tội danh Tham ô tài sản, BLHS còn quy định các tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 175), Trộm cắp tài sản ( điều 173). Nhà làm luật đã quy định các điều luật này để phân hóa các hành vi khác nhau dựa trên bản chất quyền hạn của “người có chức vụ, quyền hạn” và người được coi là “làm công hưởng lương” (khoản 3 điều 5 Nghị quyết 03) trong doanh nghiệp. Việc BLHS dành hẳn một chương (Chương XXIII) dành cho “Các tội phạm về chức vụ” để điều chỉnh những hành vi của người có chức vụ có lẽ xuất phát từ bản chất quyền hạn về quản lý tài sản của người có chức vụ. Nó khác hẳn với quyền của người không có chức vụ.

Quyền quản lý tài sản của người quản lý trong doanh nghiệp xuất phát từ vị trí, chức vụ của họ. Quyền hạn này thường được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, điều lệ doanh nghiệp hoặc các quyết định bổ nhiệm. Người quản lý trong doanh nghiệp thường là người đại diện theo pháp luật hoặc được ủy quyền để quản lý tài sản của doanh nghiệp. Họ có quyền sử dụng, định đoạt tài sản trong phạm vi được ủy quyền hoặc theo quy định của pháp luật. Quyền quản lý tài sản của người có chức vụ thường lâu dài, không hạn chế về mặt thời gian. Người quản lý doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ doanh nghiệp về việc thực hiện quyền quản lý của mình.

Trong khi đó quyền quản lý tài sản của một người nhân viên xuất phát từ hợp đồng lao động hoặc quyết định phân công công việc của người quản lý. Nhân viên này chỉ có quyền quản lý tài sản trong phạm vi nhiệm vụ được giao và không có quyền định đoạt tài sản (như bán, chuyển nhượng, hoặc cho thuê) trừ khi được ủy quyền cụ thể từ người quản lý. Người nhân viên thường không có tính độc lập trong việc quản lý tài sản mà phải tuân theo sự chỉ đạo và giám sát của người quản lý hoặc cấp trên. Quyền quản lý tài sản của người nhân viên thường là tạm thời, bị hạn chế về trong một thời gian nhất định. Vì vậy việc tòa án áp dụng tội danh dành cho người có chức vụ để xử lý hành vi của một người không giữ bất kỳ chức vụ quản lý nào trong công ty là trái với Luật PCTN.

Tội danh nào phù hợp ?

Chúng tôi cho rằng lẽ ra tòa án nên áp dụng tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 BLHS đối với trường hợp Lò Văn H, bởi lẽ theo quy định của điều luật này, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi:

“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;”

Như vậy, theo phần miêu tả hành vi khách quan của tội danh này thì Lò Văn H hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện để áp dụng tội danh miêu tả tại điểm “a” khoản 1 điều 175 BLHS. Thực tế Lò Văn H thông qua hợp đồng lao động ký với công ty thực hiện nhiệm vụ giao hàng và nhận tiền cước. Lò Văn H đã chiếm đoạt số tiền cước đó của công ty. Điều 175 BLHS áp dụng cho mọi cá nhân (người nào), không phân biệt người có chức vụ, quyền hạn hay không.

Thực tế cũng không ít tòa án đã áp dụng tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 BLHS đối với những trường hợp nhân viên lợi dụng quyền chiếm đoạt tài sản của công ty (Ví dụ bản án số: 02/2024/HS-PT ngày 30 tháng 1 năm 2024 của TAND tỉnh Lào Cai).

Một số kiến nghị

Ngạn ngữ Latin có câu cessante ratione legis, cessat lex ipsa (tạm dịch luật dừng lại ở nơi ngừng lại của các lý lẽ ). Như vậy điều điều 353 BLHS được thiết kế để áp dụng cho người có chức vụ thì chi được áp dụng cho hành vi của người có chức vụ. Theo quy định của Luật PCTN thì người “làm công hưởng lương” không phải là người có “chức vụ quyền hạn” trong doanh nghiệp. Vì vậy không thể áp dụng tội danh tham ô tài sản cho hành vi của một nhân viên trong doanh nghiệp được, mà cần áp dụng tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 BLHS.

Ngoài ra để có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần sửa lại cách viết điều luật liên quan đến tội phạm về chức vụ. Theo đó, cần thay cụm từ “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn […]” thành “Người nào lợi dụng chức vụ” để tạo nên cách hiểu thống nhất. Bởi lẽ, khi nói “lợi dụng chức vụ” sẽ được hiểu là lợi dụng quyền hạn có được từ chức vụ đó. Thực tế không có bất kỳ người nào có chức vụ mà lại không có quyền hạn đi kèm. Việc sử dụng cụm từ “Người nào lợi dụng chức vụ” cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng sử dụng cụm từ “the abuse of public office for private gain” (tạm dịch “lợi dụng chức vụ công để tư lợi”) để đưa ra định nghĩa về tham nhũng.

TS. Vũ Văn Tính

Cố vấn công ty Luật TNHH SALUS

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tran-tro-viec-ap-dung-toi-danh-tham-o-tai-san-doi-voi-cac-nhan-vien-trong-khu-vuc-tu-post540587.html
Zalo