Tinh vi 'bẫy' tài chính mới trên không gian mạng
Một trong những thủ đoạn mới đang được các đối tượng xấu sử dụng là giả danh các cơ quan nhà nước, cán bộ và thậm chí cả luật sư để thu hút nạn nhân, nhận hồ sơ thu hồi 'tiền treo'.
Chiêu trò giả danh lừa đảo chuyên nghiệp
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi và phổ biến hơn. Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ cần tìm kiếm các từ khóa như "cách lấy lại tiền", "lấy tiền bị lừa", hàng loạt bài đăng, quảng cáo xuất hiện mời chào dịch vụ thu hồi tiền.

Một Fanpage khác có tên Văn phòng pháp lý - xử lý thu hồi ngang nhiên sử dụng hình ảnh của các luật sư, kiểm soát, công an để tăng độ "uy tín".
Các bài viết này thường được đăng tải trên nhiều Fanpage giả mạo cơ quan Nhà nước và tài khoản mạng xã hội ảo, sử dụng nội dung hấp dẫn và chuyên nghiệp để tạo lòng tin. Đáng chú ý, các Fanpage này ngang nhiên "chạy quảng cáo" để đeo đuổi khách hàng nhìn thấy.
Một số bài đăng còn ngang nhiên tuyên bố có liên kết với các cơ quan chức năng như hệ thống liên ngân hàng CIC, Cục An ninh mạng giám sát tài chính để tra soát và thu hồi tiền cho nạn nhân. Các đối tượng này đưa ra cam kết như "phí thu hồi hợp lý - thanh toán sau", "lấy lại trực tiếp về tài khoản giao dịch", tạo cảm giác an toàn để lôi kéo người bị hại cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

Những bài đăng, lời kêu gọi người dùng liên hệ để được hỗ trợ thu hồi tiền treo.
Trên thực tế, đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ cả tin. Khi người bị hại liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân và một số giấy tờ cá nhân khác. Sau đó, chúng có thể chiếm quyền kiểm soát tài khoản hoặc yêu cầu chuyển một khoản tiền "tạm ứng" với lý do phí thủ tục.

Khi liên hệ các trang giả mạo này, người dân được hướng dẫn trao đổi với các tài khoản Facebook ảo tự xưng là "nhân viên pháp lý".
Ngoài ra, những thông tin cá nhân bị thu thập còn có thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp khác như vay tín dụng đen, chiếm đoạt tài sản qua giao dịch điện tử.


Sau khi liên hệ, các "nhân viên pháp lý" này liên tục thúc giục cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, họ tên, số điện thoại để được "nhân viên pháp lý" lên hồ sơ. Tuy nhiên, khi đặt nghi vấn về hệ thống thì các "nhân viên pháp lý" trên đã chặn tin nhắn.
Chị Nguyễn Thị L., một nhân viên văn phòng tại TP.HCM chia sẻ: "Tôi vô tình thấy một bài đăng trên Facebook về dịch vụ giúp thu hồi tiền bị lừa đảo. Họ cam kết lấy lại tiền nhanh chóng, không mất phí trước. Tôi nhắn tin hỏi và họ yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng cùng giấy tờ tùy thân để xác nhận danh tính. Rất may, tôi kịp cảnh giác và tra cứu thêm thông tin thì phát hiện đây là chiêu trò lừa đảo. Nếu không, có lẽ tôi đã mất thêm tiền".
Anh Trần Văn D., một người buôn bán online cũng suýt trở thành nạn nhân: "Sau khi bị lừa mất hơn 10 triệu đồng khi mua hàng trên mạng, tôi tuyệt vọng tìm cách lấy lại số tiền này. Một tài khoản tự nhận là luật sư chuyên giúp thu hồi tiền nhắn tin cho tôi, hứa hẹn có thể giúp đòi lại toàn bộ số tiền mà chỉ cần gửi một khoản nhỏ để 'xác minh giao dịch'. Tôi gần như tin tưởng, nhưng may mắn là một người bạn cảnh báo tôi về các chiêu trò này nên tôi đã kịp dừng lại".
Luật sư bị mạo danh để lừa đảo
Liên hệ với một trong những luật sư được nhắc đến nhiều trên các fanpage trên, luật sư Phùng Thị Huyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật A+ cho biết, bản thân đã bị nhiều nhóm đối tượng sử dụng hình ảnh, video chia sẻ của luật sư để mạo danh, nhằm mục đích trục lợi.

Luật sư Phùng Thị Huyền bị các nhóm đối tưởng lấy video để đăng tải lên các Fanpage giả mạo.
Theo luật sư Huyền, việc sử dụng hình ảnh người khác mà không có sự đồng ý là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và bất kỳ ai sử dụng hình ảnh đó mà không được sự cho phép đều vi phạm quyền cá nhân. Người bị hại có thể yêu cầu thu hồi, tiêu hủy và chấm dứt hành vi vi phạm, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 3 của Điều luật này.
Về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi sử dụng hình ảnh người khác nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng phổ biến, luật sư Phùng Thị Huyền khuyến cáo người dân: Cảnh giác trước các bài đăng mời chào dịch vụ thu hồi tiền: Không dễ dàng tin vào những quảng cáo hứa hẹn lấy lại tiền nhanh chóng, đặc biệt là các bên tự nhận có liên kết với cơ quan chức năng.
Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ. Những kẻ lừa đảo có thể dùng thông tin này để chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện hành vi phạm pháp khác.
Người dân cần báo cáo các bài đăng vi phạm: Nếu phát hiện nội dung lừa đảo, người dân có thể báo cáo lên nền tảng mạng xã hội và cơ quan chức năng để xử lý. Tố cáo đến cơ quan công an: Khi bị lừa đảo hoặc bị sử dụng hình ảnh trái phép, người dân nên trình báo ngay để được bảo vệ quyền lợi.
Theo cảnh báo phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao từ Bộ Công an, các tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau; có những vụ án mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Lực lượng công an đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp góp phần giữ an toàn, lành mạnh trên hệ thống mạng tại Việt Nam. Thế nhưng, do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tăng cường xử lý các vụ lừa đảo qua mạng, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức cảnh giác của mỗi người. Không có tổ chức hợp pháp nào yêu cầu người bị hại chuyển tiền trước để "lấy lại tiền". Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò tinh vi này.