Trăn trở nghề phóng viên 'lục lộ'
Đời làm báo 'lãi nhất' là những chuyến đi. Câu khái quát của một nhà báo lão thành hoàn toàn đúng với những phóng viên theo dõi giao thông chúng tôi, đặc biệt là trong các chuyến thực tế công trường xây dựng cầu đường.
Những bài học trên công trường
Chúng tôi đến trụ sở Ban Điều hành tạm của Công ty Xây dựng Trung Thành - một trong những nhà thầu Dự án Xây dựng cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), đóng tại xã Hùng Việt, huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) vào đầu giờ trưa sau gần 1 giờ vừa lội bộ, vừa phải tăng bo bằng thuyền.
Quãng đường từ Quốc lộ 4 vào công trường chỉ khoảng 10 km, nhưng nhiều đoạn mặt đường đã bị nước lũ cày xới. Lũ lớn cũng làm hỏng cây cầu phao tạm vượt sông Kỳ Cùng kết nối Quốc lộ 4 vào nơi đóng quân của Công ty Trung Thành, khiến việc tiếp cận công trường khó khăn, mất nhiều thời gian hơn thường lệ.
Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đi qua khoảng 4 - 5 ngày, nhưng di chứng của nó rất khủng khiếp. Ngay sát trụ sở Ban điều hành nằm gần bờ sông Kỳ Cùng, những bụi tre lớn bị gió bão quật tung rễ, dập nát như đám cỏ vừa bị ai lấy chân dẫm đi dẫm lại.
Ban Điều hành của Công ty Trung Thành đóng trên vị trí rất cao, nhưng nước lũ vẫn lên sát mái. Quần áo của các công nhân bị ngâm bùn mới tạm giặt để phơi trên tấm bạt lớn, cùng ngổn ngang hòm xiểng.
Ông Phạm Thế Hưng, Chỉ huy trưởng gói thầu EC01 của Công ty Trung Thành cho biết, giữa thời điểm nước sông lên cao, các công nhân và kỹ sư phải bỏ lại quần áo, đồ dùng cá nhân để tập trung đưa hàng chục đầu xe máy, thiết bị làm đường lên vị trí cao hơn để tránh ngập.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi bão lũ đi qua, trên phần công địa ít ỏi vừa chớm se mặt, các công nhân, kỹ sư của Công ty Trung Thành nhanh chóng khởi động máy móc để tổ chức thi công nhằm bù lại tiến độ bị hụt trong những ngày “dầm mưa, đội bão”.
“Anh em trong công trường gần như bị cô lập trong bão lũ, tập trung bảo vệ thiết bị, nhưng luôn canh cánh nỗi lo vợ con một mình đang gồng gánh chống bão lụt tại quê nhà. Khi bão tan, sóng điện thoại được nối, anh em chỉ có thể dành vài phút gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình rồi lại cuốn ngay vào nhịp điệu hối hả trên công trường”, ông Hưng chia sẻ.
Cần phải nói thêm rằng, tại Dự án Xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, hay trên các công trường cao tốc đang trong giai đoạn nước rút “500 ngày đêm”, thời gian đang như ngắn lại trước những bộn bề lo lắng về tiến độ, mặt bằng, vật liệu, thời tiết của cán bộ công trường.
Đối với những công nhân lao động trực tiếp như ông Hưng, những khẩu hiệu thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng thắng mưa” được cụ thể hóa bằng những khối lượng đào đắp, những khối bê tông được hoàn thành trong từng tuần, từng tháng.
Với những phóng viên theo dõi giao thông như chúng tôi, những người hay tự trào là phóng viên “lục lộ”, dù cũng phải “bụi bặm”, đội nắng mưa khi đeo bám các công trường xây dựng cầu đường, nhưng so với những vất vả, hy sinh của các cán bộ, công nhân ngành giao thông, thì chưa thấm vào đâu.
Thợ xây dựng dân dụng tuy vất vả, nhưng khi công trình được cất nóc thì cũng là lúc họ ít phải đội nắng, đội mưa. Thợ cầu đường thì quanh năm suốt tháng, cứ mỗi khi nắng to, nắng rát nhất là phải tranh thủ lao ra mặt đường, lúc mưa bão thì chong đèn ngày đêm túc trực đảm bảo giao thông.
Trong những năm gần đây, ngành giao thông dồn dập triển khai các đại dự án mới, nên đời sống, công ăn việc làm của thợ cầu đường bớt gieo neo, tình trạng hụt tiền công, nợ lương cũng bớt hẳn. Nhiều doanh nghiệp lớn rất quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động.
Trên nhiều công trường đường cao tốc, công nhân được bố trí ở trong các nhà công vụ có máy lạnh, nước sạch đầy đủ, thậm chí xây hẳn sân bóng mi ni. Tuy nhiên, cảnh làm việc xa nhà, xa ánh đèn đô thị vẫn khiến nhiều người ngần ngại trở thành thợ cầu đường.
Mang trong mình sứ mệnh “đi trước mở đường”, giao thông dù có phát triển, hiện đại đến đâu thì vẫn là ngành “vất vả lắm ai ơi”. Trong ngày vui nhất là khi công trình được khánh thành, từ người chủ doanh nghiệp tới người công nhân lái máy luôn đượm một nỗi buồn, nỗi lo lắng lớn, đó là khi nào mình sẽ có công việc mới, bởi nghề cầu đường “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Tôi có may mắn là suốt 25 năm làm báo đều gắn bó với lĩnh vực giao thông, được đi hầu hết công trình hạ tầng giao thông lớn của đất nước. Được chính những cán bộ, kỹ sư công trường “đào tạo ngay trên hiện trường” về các kiến thức cơ bản trong nghề, từ khái niệm thi công đường theo công nghệ Aashto, thi công cầu theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, công nghệ cầu dây văng, đến chu trình thanh toán, kiểm soát chất lượng.
Trong những năm tháng xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn I, tôi cũng may mắn được theo cán bộ Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đi khảo sát tuyến, bị lạc trên cánh rừng Trường Sơn. Có những lần đi tuyến vượt ngầm trên nhánh Tây suýt bị nước lũ cuốn đã trở thành những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo.
Không ít chuyến đi công trường bị lỡ độ đường phải ngủ ngay tại lán trại của các ban điều hành. Trong những đêm công trường, dù được ưu ái dành cho chiếc giường có tấm đệm dày nhất, nhưng giấc ngủ luôn chập chờn bởi tiếng máy, nhịp lu rung mặt đường.
Với cá nhân tôi, đi công trường giao thông không chỉ để lấy thêm chất liệu bài viết, mà còn giúp bản thân thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bởi sự hy sinh thầm lặng, bền bỉ, “vượt nắng, thắng mưa” của những người thợ cầu đường.
Tiếng thở dài của doanh nghiệp giao thông
Với tư cách là tờ báo kinh tế lớn, Ban Biên tập Báo Đầu tư luôn quán triệt phóng viên phải có trải nghiệm thực tế để các bài viết sinh động, mang hơi thở nhịp sống kinh doanh.
Đối với phóng viên “lục lộ” như tôi, đó là những chuyến dài đi tới các công trường, dự án với lời nhắc nhở thường xuyên của Ban Biên tập là “trong mỗi đồng vốn được giải ngân, trong mỗi ngày thi công được rút ngắn đều thấm đẫm mồ hôi của từng người thợ lao động đêm ngày, là sự trăn trở, tìm tòi của những người nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp”.
Là người được giao nhiệm vụ phản ánh về đề tài giao thông vận tải, tôi luôn tâm đắc với tôn chỉ của Báo Đầu tư trong việc phải thực hiện tốt yêu cầu bám sát thực tế, đồng hành với doanh nghiệp.
Những bài viết về các dự án giao thông có thực tế công trường được đăng tải trên Báo Đầu tư đều là những bài báo sinh động, ghi nhận khó khăn đang xảy ra trên công trường để chung tay cùng nhà thầu, cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc.
Theo đó, nhiều vấn đề thực tiễn triển khai xây dựng công trình giao thông từng được Báo Đầu tư phản ánh, kiến nghị như bất cập trong việc tính đơn giá, định mức; khan hiếm vật liệu xây dựng; xử lý biến động giá… là những ví dụ điển hình.
Năm 2019, tôi có bài viết “Vì sao CEO doanh nghiệp cầu đường không muốn con cái nối nghiệp?” đăng trên Báo điện tử Đầu tư nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Bài báo phản ánh hiện tượng, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông đều không muốn con cái theo nghiệp của mình vì quá vất vả.
Nghề giao thông thời nào cũng vất vả, nhưng giờ còn thêm nhiều rủi ro, đặc biệt là với những người đứng đầu doanh nghiệp. Nếu không có đủ đam mê và say nghề, thì đây sẽ là gánh nặng rất lớn, nhất là khi phải đảm nhận vị trí đứng đầu, chèo lái doanh nghiệp với hàng ngàn lao động. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có đời bố, thậm chí là đời ông làm giao thông, làm lãnh đạo nhà thầu, nay quyết ngăn bằng được con em, không cho theo nghề cầu đường.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, tôi nhận được khá nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp giao thông. Trong số tin nhắn đó, có một tin làm tôi nhớ mãi và canh cánh trong lòng: “Nghề giao thông là nghề tạo phúc cho xã hội, nhưng mấy ai trở lên giàu có hoặc được xã hội đánh giá đúng mức, thậm chí nhiều người muốn bỏ nghề”.
Dòng tin nhắn này khiến tôi nhớ về một cuộc điện thoại đầy bức xúc của một nhà đầu tư BOT vào lúc nửa đêm, khi Báo Đầu tư đăng tải loạt bài “Biến dạng BOT giao thông” vào giữa năm 2016. “Báo viết đúng, nhưng chưa đủ. Chưa đủ vì còn thiếu thân phận khốn khổ của các nhà đầu tư BOT giao thông chúng tôi trong sân chơi mà chúng tôi đang là những người không thắng”, vị này nói.
Ngay tại thời điểm đó, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã nhận định, đây không phải là lúc tham gia “đấu tố”, “đánh hội đồng” BOT, mà Báo Đầu tư phải có trách nhiệm đồng hành với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các nhà đầu tư để chung tay “gỡ khó”, truyền tải thông điệp đúng đến người dân, tránh không làm sai lệnh bản chất tốt đẹp của việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giao thông - một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Các bài viết như: “Trĩu nặng nỗi lo thua lỗ tại các dự án BOT”; “Thêm tiếng thở dài tại các dự án BOT”; “Nguy cơ vỡ trận hàng loạt các dự án BOT giao thông”, cùng nhiều bài viết phản ánh khó khăn tại các dự án BOT… được Báo Đầu tư đăng tải đã thể hiện đúng phương châm mà tờ báo luôn theo đuổi là “Đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp”.
Là người được giao nhiệm vụ phản ánh về đề tài giao thông vận tải, tôi luôn tâm đắc với tôn chỉ của Báo Đầu tư trong việc phải thực hiện tốt yêu cầu bám sát thực tế, đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần xây dựng, giải thích thỏa đáng, có lý có tình, và nhất là không được giữ định kiến, tư duy theo lối mòn trong quá trình phản ánh, phản biện chính sách.
Có lẽ, đó là yếu tố quyết định mang lại thành công cho Báo Đầu tư - một thương hiệu báo chí có uy tín, được vun đắp một cách kiên trì, bền bỉ bởi các hệ thế nhà báo đi trước trong suốt 33 năm qua.