Trăn trở cây chè Cà Đam
Nằm dưới chân núi Cà Đam, thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) sở hữu nhiều diện tích chè cổ thụ và được đánh giá là có tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giá trị của loài cây 'vàng xanh' này vẫn chưa được phát huy đúng giá trị của nó.
Vượt qua quãng đường hơn 70km từ trung tâm TP.Quảng Ngãi, chúng tôi đến thôn Quế, xã Trà Bùi vào những ngày đầu tháng 4. Đặt chân đến đây, chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi khí hậu mát mẻ, mà còn bởi vẻ đẹp xanh mướt của những vườn chè cổ thụ. Nằm ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, khí hậu trong lành và mát mẻ quanh năm khiến vùng chè ở đây phát triển rất tốt.

Thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) nằm dưới chân núi Cà Đam.
Gặp khách từ dưới xuôi lên, anh Hồ Văn Tùng niềm nở mời chúng tôi vào nhà chơi. Bên mái nhà sàn nằm nép dưới chân núi Cà Đam, anh Tùng rót chén chè nóng được pha từ cây chè hái ngay trong vườn nhà mời chúng tôi thưởng thức. Được nuôi dưỡng bởi sương núi qua nhiều năm, chè ở đây mang hương thơm tự nhiên đặc trưng mà các vùng khác không có được. Khi thưởng thức, vị thơm, chát và hậu ngọt của chè như thấm vào từng tế bào, khiến những mệt mỏi dường như tan biến.
“Cùng với cây quế, chè là cây trồng truyền thống của đồng bào Cor dưới chân núi Cà Đam. Thôn chúng tôi có khoảng 80 hộ dân, hầu hết các gia đình đều có vườn chè. Nhà ít thì vài trăm gốc, nhà nhiều thì cũng hơn cả ngàn gốc. Vì vậy, mỗi khi khách đến chơi, người dân thường ra vườn hái chè pha nước mời khách, như một nét văn hóa lâu đời,” anh Tùng tự hào chia sẻ về sản vật của quê hương.

Cây chè gắn bó với nhiều thế hệ đồng bào Cor ở thôn Quế.
Cây chè đã gắn bó với đồng bào Cor qua nhiều thế hệ, nên cho đến tận bây giờ, anh Tùng cũng như các bậc cao niên trong thôn đều không ai biết cây chè đã bén rễ ở vùng đất này từ bao giờ. Một số người cho rằng chè đã có mặt ở đây ít nhất từ 100 năm, hoặc từ thời ông cha họ. Những gốc chè cổ thụ là niềm tự hào, là kỷ vật, tài sản được ông bà truyền lại cho con cháu.
Chúng tôi theo anh Tùng lên con đường dốc thăm những rẫy chè dưới chân núi Cà Đam. Chỉ những rẫy chè nằm bên lưng chừng núi, anh Tùng cho biết, được trồng và truyền lại qua nhiều thế hệ, nên nhiều cây chè ở đây rất to. Một số cây có đường kính thân lên đến 60 - 80cm, cao từ 3-4m.

Nhiều cây chè cổ thụ cao, to, anh Hồ Văn Tùng phải dùng thang để leo lên hái lá.
Nhìn những cây chè xanh tươi tốt, chúng tôi tò mò hỏi: “Sao bà con không hái lá bán?”. “Trước đây, thương lái dưới xuôi lên mua mỗi bó chè từ 10 – 15 nghìn đồng, nên bà con hái bán cũng có thu nhập. Giờ thương lái không lên nữa, nên bà con chỉ hái một ít về pha nước uống và tắm cho trẻ thôi,” anh Tùng giải thích.
Thực tế hiện nay, toàn bộ sản phẩm chè ở đây khi thu hoạch, các hộ dân đều phải tự tìm đầu ra và hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Theo chia sẻ của anh Tùng, mấy năm qua, không có thương lái đến thu mua, khiến “đầu ra” của cây chè trở nên bế tắc.

Những gốc chè cổ thụ là tài sản được ông bà truyền lại cho con cháu.
Khó khăn trong việc tìm đầu ra cho cây chè đã khiến nhiều người dân ở thôn Quế phân vân và lúng túng, không biết nên tiếp tục giữ lại vườn chè hay phá bỏ. Hiện nay, không ít hộ gia đình đã phá bỏ những rẫy chè hàng chục năm tuổi để chuyển sang trồng quế và các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thậm chí, có gia đình còn chặt chè cổ thụ làm củi đun… Điều này khiến cho những rẫy chè dưới chân núi Cà Đam ngày càng vơi đi.
“Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có những giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững sản phẩm chè Cà Đam, để người dân có thể tiếp tục gắn bó với cây chè,” anh Tùng bày tỏ.


Một số người dân phá bỏ cây chè để trồng các loại cây trồng khác.
Chủ tịch UBND xã Trà Bùi Hà Việt Bồng cho biết, diện tích chè ở thôn Quế hiện còn khoảng 11ha. Thời gian qua, việc tìm đầu ra cho cây chè cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Chất lượng chè Cà Đam vượt trội hơn so với những loại chè khác. Nếu khai thác bền vững, cây chè sẽ là “chìa khóa” giúp giảm nghèo cho bà con. Trước mắt, để bảo tồn và giữ gìn diện tích chè hiện có, địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá chè để trồng các cây khác.
Rời thôn Quế vào lúc chiều tà, trên con đường về, từng đám sương mờ ảo bay lảng bảng, nhẹ nhàng bồng bềnh tựa như một Đà Lạt thu nhỏ giữa lòng núi rừng. Thôn Quế sẽ đẹp hơn, phát triển hơn nếu biết cách khai thác tiềm năng du lịch cùng giá trị của cây chè. Nhưng với tình trạng hiện tại, những cây chè ấy dường như vẫn chưa thể giúp người dân nơi đây thoát nghèo, dù chúng vẫn kiên cường vươn mình dưới chân núi Cà Đam, mang trong mình hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào Cor nơi đây.