Ưu bà Phạm Thị Trân - bà Tổ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Hội thảo không chỉ là dịp để nghiên cứu, nhìn lại và tôn vinh một nhân vật lịch sử đặc biệt - người có đóng góp to lớn đối với nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc, mà còn là cơ hội để cùng nhau suy ngẫm về trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cụ thể là trong lĩnh vực sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật Chèo.

Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân
Ngày 15.4, tại thành phố Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân”.
Dự Hội thảo có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, diễn viên.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.
Đây không chỉ là dịp để nghiên cứu, nhìn lại và tôn vinh một nhân vật lịch sử đặc biệt - người có đóng góp to lớn đối với nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc, mà còn là cơ hội để cùng nhau suy ngẫm về trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cụ thể là trong lĩnh vực sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật Chèo.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt: Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ưu bà Phạm Thị Trân là người được xem là bà tổ của nghệ thuật Chèo, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, đặc sắc và đậm đà bản sắc dân tộc.
Bà không chỉ là bà tổ dầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, mà còn là người phụ nữ đầu tiên được phong chức quan trong lịch sử dân tộc.
Bà đã để lại một di sản văn hóa vô cùng quý báu, ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Qua các tư liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian, ngay từ buổi đầu, nghệ thuật sân khấu Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân thông qua các phường hát, mà còn phục vụ nhiệm vụ chính trị, quân sự, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân đội.
Ưu bà Phạm Thị Trân là người đã tổ chức đội quân sân khấu biểu diễn phục vụ trong quân ngũ từ thời nhà Đinh, điều đó cho thấy tầm vóc và vai trò đặc biệt của nghệ thuật sân khấu Việt Nam ngay từ buổi bình minh của quốc gia Đại Cồ Việt.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn: Các ý kiến tham luận tại Hội thảo rất có giá trị không chỉ cho ngành Sân khấu Việt Nam mà đối với cả địa phương tỉnh Ninh Bình
Cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện; tăng cường công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Chèo.
Cần xây dựng các chương trình, dự án có tính hệ thống, bền vững, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn, truyền thông và phổ biến di sản.
Khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa dân gian và văn hóa đương đại, để từ đó hình thành những tác phẩm sân khấu mới mang bản sắc Việt, có sức lan tỏa.
Chú trọng công tác giáo dục văn hóa truyền thống trong trường học, giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và tự hào với di sản văn hóa của cha ông.
Đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, cuộc thi tìm hiểu, các chương trình nghệ thuật cộng đồng nhằm lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc…
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng bày tỏ tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của giới chuyên môn và toàn xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật sân khấu Chèo mà Ưu bà Phạm Thị Trân đã khai sáng sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy và tỏa sáng trong đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các đại biểu dự Hội thảo
Đề dẫn tại Hội thảo do nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trình bày cho thấy: Dù Ưu bà Phạm Thị Trân từ lâu đã được công nhận là bà Tổ của nghệ thuật chèo, bà Tổ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, ngày giỗ của bà đã được Chính phủ công nhận là ngày Giỗ Tổ của sân khấu Việt Nam.
Tuy vậy, thân thế và sự nghiệp của Ưu bà Phạm Thị Trân vẫn chưa được biết đến đầy đủ và rộng rãi.
Ngay trong giới hoạt động chèo và sân khấu, không ít người vẫn không biết Ưu bà Phạm Thị Trân là ai.
So với cha ông ta, những người đã phong thánh, phong thành hoàng làng cho Ưu bà Phạm Thị Trân, lập các đền phủ thờ Ưu bà như nhiều vị tổ khác của tín ngưỡng thờ mẫu hay Đức Thánh Trần, sự tôn vinh của thế hệ hôm nay dành cho Ưu bà Phạm Thị Trân có lẽ còn chưa xứng đáng.
Do đó, Hội thảo là dịp để tìm hiểu sâu sắc, kỹ càng hơn về thân thế, sự nghiệp của Ưu bà, đánh giá đúng hơn ý nghĩa sự xuất hiện của một vị Tổ sân khấu Việt Nam ở thế kỷ thứ 10, tìm ra các hình thức tôn vinh sâu rộng hơn, có hiệu quả hơn đối với Ưu bà Phạm Thị Trân.
Hội thảo đã tiến hành phiên thảo luận với 2 chuyên đề: Quê hương, thân thế, sự nghiệp của Ưu bà Phạm Thị Trân và Phát huy di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.
Các tham luận đã tập trung thảo luận về các nội dung thân thế, sự nghiệp và ý nghĩa của việc xuất hiện Bà tổ đầu tiên của sân khấu Việt Nam-Ưu bà Phạm Thị Trân.
Phân tích, đánh giá những đóng góp và di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong phát triển nghệ thuật hát Chèo nói riêng và nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung.
Đề xuất phương hướng, giải pháp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu, di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay.
Bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khẳng định, kết quả của Hội thảo đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng và những đóng góp của Ưu bà Phạm Thị Trân đối với nghệ thuật Chèo cũng như nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp từ Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là tiền đề cần thiết, làm cơ sở khoa học khách quan để tỉnh triển khai các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện các giải pháp nhằm phát huy các giá trị di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn hiện nay.