Trần Nhuận Minh - 'nhà thơ không biên giới'
Thơ Trần Nhuận Minh đã được dịch ra 18 thứ tiếng, xuất bản và phát hành ở 22 quốc gia. Nhiều văn nghệ sĩ đánh giá ông là 'nhà thơ không biên giới'.
“Từ chân trời một người đến chân trời tất cả”
“Từ chân trời một người đến chân trời tất cả” - câu nói của một nhà thơ lớn người Pháp được nhà thơ Trần Nhuận Minh thường dùng, để nói về chức năng của nhà thơ. Ông cho rằng, bất cứ một nhà thơ nào cũng phải đi bằng bước chân của mình, từ nơi mình đang sống, rồi từ đó mà đưa thơ mình đến với bạn đọc trong cả nước và rộng hơn, đến được với nhiều bạn đọc ở nước ngoài.
Trần Nhuận Minh tâm niệm điều ấy và ông dường như cũng đã làm được điều ấy.
Đến hết năm 2024, trải qua 64 năm cầm bút, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã xuất bản 65 tập sách ở trong và ngoài nước, trong đó có 49 tập thơ (13 tập thơ xuất bản bằng tiếng Anh và nhiều tập thơ bằng các ngôn ngữ khác), 6 tập thơ phát hành toàn cầu.
Đáng chú ý là các tập riêng dày dặn, được phát hành ở nhiều quốc gia như “Trần Nhuận Minh - Thi ca tinh tuyển tập” (Trung Quốc, 2014), “Đi ngang thế gian ” - Tuyển thơ Trần Nhuận Minh (Đài Loan, 2018), “Nhà thơ và hoa cỏ ”(Pháp, 2020); “Bừng thức" (Canada 2022 ), sau đó được Hội đồng Dịch thuật châu Âu chọn và đồng thời dịch ra 3 thứ tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha…
Thơ của ông cũng đã bắt đầu được đưa vào chương trình đại học ở một số nước.
Thơ từ nơi mình đang sống
Trần Nhuận Minh sinh ngày 20/8/1944 tại làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn (Nam Sách, Hải Dương). Năm 1962, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Hải Dương vào loại giỏi, ông được đại diện Sở Giáo dục khu Hồng Quảng chọn về vùng mỏ Quảng Ninh.
Trong những năm tháng gắn bó với công nhân mỏ, ông đã cho ra đời các tập thơ: “Đấy là tình yêu ” (1971), “Âm điệu một vùng đất” (1980), “Trường ca Đá cháy” (1985), “Nhà thơ áp tải ”(1989)…
Đặc biệt, tập “Nhà thơ và hoa cỏ ” viết về hai vùng quê Hải Dương và Quảng Ninh hoàn thành trong 15 năm, sau khi giành giải nhất lần thứ 3 về văn học công nhân và người lao động Việt Nam đã được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt II năm 2007. Tập thơ được tái bản 24 lần ở trong nước (đang chuẩn bị in tiếp) và được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, được đánh giá cao, nhất là ở Trung Quốc và Pháp. Đây có lẽ là tác phẩm quan trọng nhất trong đời thơ Trần Nhuận Minh. Tác phẩm đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKinGS trao tặng kỷ lục về một tập thơ thời đổi mới đã tái bản nhiều lần nhất ở Việt Nam.
Nói về “Nhà thơ và hoa cỏ” tác giả Trần Nhuận Minh cho biết: “Có thể kể ra hàng trăm nhân vật, đủ các hạng người. Mỗi nhân vật đều được mô tả khác nhau qua các đặc trưng của thơ, cũng qua cả các tình huống và cách tiếp cận cụ thể của nhân vật trữ tình với đối tượng được miêu tả, có nhân vật được mô tả cận cảnh, viết trực tiếp như một ký sự ngắn, có nhân vật thấp thoáng hiện lên trong ký ức người này, hay trong chuyện kể của người kia… với các bút pháp uyển chuyển linh hoạt, không ai giống ai, không bài nào giống bài nào”.
Hay như “Trường ca Đá cháy”, hoàn thành sau 23 năm lao động bền bỉ, cực nhọc, ca ngợi phong trào công nhân và những người thợ mỏ trong lịch sử hình thành giai cấp công nhân Việt Nam (từ 1840) và trong quá trình bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. “Trường ca được khởi thảo từ những năm 1962-1969, hoàn thành vào năm 1985, nhưng cuối cùng tôi kiên quyết cắt bớt tất cả những gì mà tôi cho là kể lể sự kiện và minh họa, chỉ còn giữ lại non 1.000 dòng thơ từ bản thảo gần 5.000 dòng thơ”, nhà thơ Trần Nhuận Minh chia sẻ.
Trường ca này đã được tặng giải thưởng đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011, cũng đã đến với bạn đọc Trung Quốc vào năm 2014.
Thơ của tất cả mọi người
Nhà văn, Giáo sư, Tiến sĩ Tưởng Vi Văn, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học (Đài Loan) từng nói rằng: “Thơ Trần Nhuận Minh là thơ của tất cả mọi người, ở bất cứ nước nào dịch thơ Trần Nhuận Minh cũng dễ được chấp nhận. Thơ Trần Nhuận Minh không có biên giới”.
Một tập thơ khác được giới mộ thơ cũng rất ưu ái, đó là tập "Bừng thức" viết về những thức tỉnh và linh cảm của con người trước hiện thực và thế gian, kết hợp bút pháp thực và ảo, được xuất bản ở Canada bằng tiếng Anh, sau đó được Hội đồng Dịch thuật châu Âu dịch và thẩm định, Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) dịch tiếp ra 3 thứ tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, phát hành toàn cầu trong hai năm 2022 và 2023 và sau đó cả 4 tập được chọn, giới thiệu trong triển lãm sách quốc tế tại Frankfurt (Đức) tháng 10/2023.
Năm 2024, Nhà xuất bản Prodigy (Mỹ) đã công bố tuyển tập thơ tiếng Anh của Trần Nhuận Minh, gồm 4 tập, xuất bản lần lượt ở Canada, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, cho thấy thế nào là thế giới phẳng trong các liên kết xuất bản quốc tế.
Các bài trong 4 tập này đều rút ra từ 30 tập thơ tiếng Việt đã xuất bản ở Việt Nam của Trần Nhuận Minh. Đó là: tập I “Flared up Subconscious” (Bừng thức), tập II “The day I live” (Ngày tôi sống), tập III “Human realm" (Cõi người) và tập IV “Go Alone” (Đi một mình). Theo như nhà thơ Trần Nhuận Minh, “đó là sự bừng thức của chủ nghĩa nhân văn mà ông cảm nhận được, từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II (tính từ 1939), khi những tác động của nó va đập ghê gớm vào số phận của con người tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác”.
Văn xuôi của ông cũng đã được dịch ra 7 thứ tiếng phát hành ở 7 quốc gia.
Ở lĩnh vực nghiên cứu, 3 tác phẩm của ông về Hải Dương và Quảng Ninh chủ yếu ở thời Trần, Lê, đã được trao giải Đào Tấn 2023 (Thời gian lên tiếng, Đi tìm sự thật, Đối thoại văn chương) lần lượt sẽ tái bản.
Tập “Đối thoại văn chương” gần 1.000 trang, đã tái bản, ra mắt đầu năm 2024, cho thấy ông đã lao động tận tụy với trang viết về đất nước và con người, quê hương Việt Nam đến nhường nào.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã nhận 26 giải thưởng văn học. Về thơ, ông đã giành Giải thưởng Hội Nhà văn 2003 (Bản Sonata hoang dã), Giải Nhà nước 2007 (Nhà thơ và hoa cỏ, Bản Sonata hoang dã), Giải Sông Mê Kông tại Campuchia 2020 (Qua sóng Trường Giang).
Về văn xuôi, giải nhì tiểu thuyết 2020 (Hòn đảo phía chân trời) của Hội Nhà văn Việt Nam. Về nghiên cứu, Giải Đào Tấn 2023 (Thời gian lên tiếng, Đi tìm sự thật, Đối thoại văn chương).
Năm 2024, ông nhận Giải thưởng Cống hiến và Huy chương Văn học Đài Loan, tại Đài Loan.
Ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba (1984), Huân chương Lao động hạng ba (2000), hạng nhì (2011), hạng nhất (2022)...