Việt Thường - Tờ báo viết tay bí mật của Đảng bộ tỉnh
Gần đây, sau nhiều năm sưu tầm tư liệu báo chí từng xuất bản ở Huế, nhờ người bạn giữ chân quản lý thư mục báo chí Việt Nam ở Thư viện Quốc gia, chúng tôi nắm được một vài thông tin sơ lược từ bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Báo chí Việt Nam: 'Việt Thường - tờ báo viết tay của Đảng bộ Thừa Thiên'.
Thú thật, dù chỉ mới nghe tin thôi nhưng đã đem đến cho chúng tôi nỗi vui mừng khôn tả về Việt Thường!
Trong cuốn Lịch sử Báo chí Huế của tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2013, có nhắc tới một tờ báo bí mật cũng mang tên Việt Thường của Việt Minh Trung Kỳ: “Báo vận động cách mạng, phát hành bí mật. Khoảng trước tháng 8/1945” (tr.445, Sđd)...
Dù chỉ ước đoán về thời gian ra đời, tác giả cũng đã cho biết, trước hết và ít nhất là ở Huế đã có một tờ báo cách mạng lấy tên Việt Thường từng xuất hiện. Nhưng rất tiếc, tác giả lại không cho thấy được hình ảnh (hay măng sét) của tờ báo này để minh chứng chắc chắn cho thông tin trên.
Trong quá trình sưu tầm tư liệu liên quan đến lịch sử báo chí cũng như hiện vật báo chí từng xuất bản ở Huế từ xưa đến nay, chúng tôi may mắn đã tiếp cận được một tờ báo khác cùng tên Việt Thường. Có điều, tờ báo này xuất bản từ năm 1930.
Trên măng sét tờ báo mà chúng tôi tiếp cận được ghi rất rõ: “Việt Thường. Số đặc biệt. Ra ngày 4/11/30”. Nhưng cũng chưa rõ là của địa phương nào, do ai tổ chức. Vậy, phải chăng có hai tờ báo cùng mang tên Việt Thường của những người hoạt động cộng sản được in ấn và phát hành ở Huế?
Hiện nay, tờ “Việt Thường số đặc biệt” này đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, đóng trên đường Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều người, chúng tôi đã scan lại tờ báo này.
Do tính chất bí mật nên trên mặt báo Việt Thường không ghi tên tổ chức cũng như người thực hiện. Nhưng nội dung của nó là tính chiến đấu cách mạng theo xu hướng cộng sản. Việt Thường có 4 trang, khổ bằng tờ A4, viết tay, mực màu tím trên giấy bổi.
Nội dung của “Số đặc biệt” này chủ yếu giới thiệu về lịch sử Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và thúc giục Anh em chị em học sinh hãy cổ động tổ chức cuộc Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười (7 Novembre). Liên hiệp cùng giai cấp vô sản lập những cuộc đình công, bãi khóa, tuần hành thị uy để phản đối những thủ đoạn giã mang, khủng bố của tụi tư bản đế quốc Pháp và quan, làng, địa chủ, chó săn Annam” (sic).
Ở đoạn trích dẫn nguyên văn trên, có hai từ (điệp lại ở nhiều bài khác) theo thói quen của một số người Huế “nói sao viết vậy”, thay vì phải viết dã man thì người ta viết thành “giã mang”.
Ở trang 4, Việt Thường kêu gọi “Hãy tổ chức cuộc biểu tình thứ hai”. Bằng lời lẽ dễ hiểu, phân tích rõ ràng: “Đế quốc Pháp thấy anh em chị em làm thế, nó đã run sợ, nên nó mới hết sức bắt bớ và đem lính đi tuần phòng ở các nhà quê sau các cuộc biểu tình. Nó làm hại rất dã man! Vậy anh em chị em Công Nông hãy vận động cuộc biểu tình, đình công thứ hai để phản đối: 1. Sự bắt bớ vô cớ; 2. Đưa lính về đàn áp ở nhà quê. Các anh em chị em chỗ khác cũng vận động biểu tình hưởng ứng. Vận động mãi đến bao giờ cho được những điều yêu cầu đó và được tự do biểu tình, tự do bãi công mới thôi”…
Tuy thế, nhưng vẫn chưa thể xác định được Việt Thường là của địa phương nào. Măng sét của tờ báo này không cho biết nhiều thông tin hơn.
Đầu xuân Mậu Tuất năm 2018, trong lần chúng tôi trở lại Cục Lưu trữ để tiếp tục tra cứu tài liệu thì được biết rõ hơn: “Việt Thường, cơ quan bí mật của Đảng bộ Thừa Thiên, phát hành tại Huế”. Theo người cán bộ làm việc nhiều năm ở đây, sở dĩ tờ báo viết tay này được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương, vì nó là tài liệu nằm trong hồ sơ của vụ án; do một cán bộ của tỉnh Thừa Thiên hoạt động bí mật, bị mật thám Pháp bắt tại Huế, trong người có mang theo tờ Việt Thường để làm tài liệu tuyên truyền cách mạng. Nhiều năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cảm thấy “hết giá trị”, người Pháp đã trao lại cho Việt Minh. Theo hồ sơ (phông tỉnh Thừa Thiên Huế - Đảng Cộng sản Việt Nam) thì Việt Thường là tờ báo bí mật của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, xuất bản năm 1930. Là một tờ báo viết tay ra được gần chục số, hiện còn lưu được số đặc biệt này.
Như vậy, kể từ ngày 3/4/1930, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức được thành lập, chỉ hai tháng sau, tại Kinh đô Huế đã xuất hiện một số tờ báo cách mạng. Ví như tờ Con Đường Đấu Tranh của Tỉnh ủy Thừa Thiên, Học trò của Thị ủy Thuận Hóa, Người Lao Khổ của Xứ ủy Trung Kỳ. Ngoài ra, Đảng bộ tỉnh còn có thêm tờ Việt Thường được xuất bản bí mật làm tài liệu tuyên truyền cách mạng.
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì “Thuận Hóa xưa là bộ Việt Thường thị”*. Mà cuộc đất Thuận Hóa lại chiếm phần lớn thuộc về xứ Huế ngày nay. Có lẽ vì thế nên tờ báo bí mật của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời năm 1930 lấy tên Việt Thường. Mới đó thôi đã 95 mùa xuân với Việt Thường đầy ắp kỷ niệm khó quên mà chưa xa…
* Phần Dư địa chí dẫn trong Nguyễn Trãi toàn tập, NXB KHXH, Hà Nội, 1976, tr.234.